Đạo nhạc tít mù xoay

Nguyễn Quang Long 21/08/2016 09:05

Thật đáng buồn, đạo nhạc lại là thông tin nóng nhất trong showbiz Việt gần đây. Có điều, theo dõi diễn biến liên quan lại thấy giống một vở bi hài kịch đang diễn ra. Và càng xem lại càng thấy mông lung!

Đạo nhạc tít mù xoay

Ca sĩ Vũ Cát Tường.

Vòng xoay đèn cù!

“Diễn viên” bất đắc dĩ trong những lùm xùm liên quan đến nghi án đạo nhạc đang “nóng” của showbiz Việt là Marika Takeuchi - nữ nhạc sĩ người Nhật. Cô ấy vốn chẳng liên quan gì đến showbiz Việt, nhưng lại được chính những người Việt tìm kiếm và lôi vào cuộc chỉ bởi cô là tác giả tiểu phẩm trữ tình mang tên “Rain in the park” giới thiệu lần đầu vào ngày 26/6/2013 trên trang chia sẻ nhạc Soundcloud. Tức là trước thời gian “Vết mưa”- một ca khúc đình đám của Vũ Cát Tường chính thức ra mắt, trong năm 2014.

Hai tác phẩm này được cho là giống nhau một cách kỳ lạ. Có thể cảm nhận được thái độ văn minh, lịch sự và bình tĩnh nhưng cũng rất cương quyết của nữ nhạc sĩ Nhật khi chia sẻ với báo giới VN những vấn đề liên quan đến vụ việc. Dẫu thế, nữ nhạc sĩ Nhật cũng đã khẳng định thời điểm sáng tác, phát hành tác phẩm, sau đó phát hành chung trong album của mình và được đăng ký bảo hộ quản quyền tại Mỹ. Đồng thời cô có đầy đủ bằng chứng khẳng định tác quyền cũng như có luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cũng may là tới nay, nữ nhạc sĩ Nhật Bản đã cho biết, không có sự đạo nhạc.

Tất nhiên, khi đọc được những thông tin ấy, có lẽ ai cũng tin vào những gì nữ nhạc sĩ Nhật đã nói. Bởi người Nhật không nói đùa trong công việc, nhất là những liên quan đến sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Vì người Nhật luôn cho rằng, họ là một đất nước nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lớn nhất của họ chính là con người. Và động lực để đất nước họ phát triển một cách vượt bậc đó chính là dựa vào con người trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật. Cho nên nếu bản thân người Nhật không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thì họ sẽ thất bại ngay chính sân nhà. Nhưng thật không dễ hiểu, cũng vẫn trên báo Việt, vẫn nữ nhạc sĩ người Nhật, chỉ rất nhanh sau đó lại có những phát biểu hoàn toàn khác, “mềm” hơn rất nhiều. Cô ấy cho rằng, Vũ Cát Tường đã đưa ra những bằng chứng chứng tỏ rằng 2 sáng tác được sáng tác trong cùng một thời điểm. Trong bài báo giảng hòa cũng nhắc tới chi tiết nhạc sĩ Nhật phân vân về sự giống nhau giữa hai bản nhạc cùng thời điểm ra mắt rằng “liệu đây có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không?”

Trong khi có hay không có sự tương đồng đến khó hiểu giữa 2 tác phẩm thì chỉ cần nghe là có thể nhận thấy, nhất là với những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Cho nên nếu có sự trùng hợp ngẫu nhiên thì quả thực giữa 2 nhạc sĩ Việt - Nhật có một sự thần giao cách cảm, một hiện tượng khó có thể giải thích! Dẫu sao thì đó cũng là tín hiệu mừng cho nữ nhạc sĩ Việt đồng thời khán giả Việt cũng đã chứng kiến cú “thoát đạo” ngoạn mục.

Đạo nhạc tít mù xoay - 1

Sơn Tùng M-TP.

Lại “thoát bão”

Quay lại thời gian trước đó sẽ thấy mọi sự có thể không phải vô tình. Chính Vũ Cát Tường đã thẳng thừng phản ứng trước nghi án đạo nhạc Sơn Tùng M-TP. Sự việc xảy ra ngay sau khi nam ca sĩ này ra mắt MV mới “Chúng ta không thuộc về nhau” rất hoành tráng với những hình ảnh bắt mắt, kỹ thuật thuộc hàng “khủng” khiến người ta liên tưởng tới những MV của những nghệ sĩ ở các nước phát triển, đã bị dư luận tố đạo nhạc. Nội dung tố của nghi án này có thể nói là sự tổng hợp của nhiều yếu tố từ âm nhạc tương đồng với một ca khúc và đoạn rap đến hình ảnh “phiêu” từ những hình ảnh đã có trước đó trong các MV nhạc quốc tế. Phải nói, trong khi nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đã ngán ngẩm với những gì liên quan đến đạo nhạc trong làng nhạc giải trí và hầu như không lên tiếng một cách chính thống, một phần họ có ý tránh không để mình rơi vào “bẫy” truyền thông của những người muốn tạo hit, thì việc một nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ như Vũ Cát Tường đứng ra chia sẻ thẳng thắn quan điểm cũng tạo những ấn tượng và khẳng định cá tính của cô.

Tuy nhiên, chẳng cần tới một nhân vật với lượng fan hùng hậu như Sơn Tùng M-TP. Chỉ cần một nghệ sĩ có tên tuổi, có fan riêng thì khi thần tượng của mình bị dư luận “ném đá” rất có thể, chính những người trong số fan này sẽ làm một cuộc “tổng tấn công” trở lại. Cũng có thể, còn có những sóng ngầm chỉ những người trong cuộc mới nắm được. Song, rõ ràng thấy một điều, khi nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP đang trong “tâm bão” ở mức độ cực mạnh thì đã có một sự “thoát bão” ngoạn mục và đẩy “tâm bão” chuyển hướng sang đồng nghiệp. Người vừa đứng ra chỉ trích, là tác giả của một vài ca khúc tạo được ấn tượng, lại có dính líu đến yếu tố nước ngoài. Đủ để “sức bão” có thể mạnh hơn cả cơn bão trước đó!

Như vậy, cả 2 nghi án đạo nhạc được đẩy thành “tâm bão” dư luận rồi nhanh chóng “thoát bão” một cách ngoạn mục.

Cần có hình thức xử lý nghiêm

Nhưng vẫn phải thừa nhận, cả 2 sự việc trên dẫu đã có thể coi là có hồi kết nhưng nó không giúp công chúng thỏa mãn, không giải quyết được vấn đề nhức nhối trong nhạc Việt đại chúng bấy lâu nay mà ngược lại, càng làm cho đời sống nhạc Việt nói chung, những vấn đề liên quan đến đạo nhạc nói riêng trở nên rối rắm và đi vào ngõ cụt! Thậm chí, nó sẽ là tiền đề cho những tác phẩm nhạc Việt na ná nước ngoài hay tương đồng một cách khó giải thích trong chính những tác phẩm trong nước có cơ hội nảy mầm trong tương lai. Trong khi, mọi biện pháp ngăn chặn dường như sẽ đi vào ngõ cụt vì chưa có quy định cụ thể, chưa có xử phạt thật nghiêm minh, chưa có sự vào cuộc của ngành quản lý văn hóa các cấp. Tất nhiên vẫn có thể xử lý một cách rốt ráo và đã từng có tiền lệ, là trường hợp Bà Tưng trước đây bị cấm biểu diễn.

Ngành văn hóa các cấp xử lý kịp thời. Song đó cũng chỉ là phản ứng mang tính bột phát của cơ quan quản lý có liên quan. Cần có quy định cụ thể được xây dựng trên cơ sở sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước (thuộc ngành Văn hóa) với giới chuyên nghiệp (phù hợp nhất là Hội Nhạc sĩ VN). Cần có một hội đồng chuyên môn để đưa ra những tiêu chí cụ thể, theo đó sẽ có xử phạt thật nghiêm, cao nhất là cấm biểu diễn và phát hành bản ghi âm dưới mọi hình thức trong một thời gian, thậm chí cấm vĩnh viễn nếu tái phạm nhiều lần. Cũng còn một hướng xử lý rốt ráo khác như ở các nước phát triển đó là đưa nhau ra tòa án và dựa trên những phân tích chuyên môn cùng luật sở hữu trí tuệ, bản quyền và những luật liên quan.

Một khi đã có những tiêu chí rõ ràng thì không cần những người trong cuộc nói có hay không, vì nhiều khi họ bị chi phối bởi nhiều lý do. Chỉ cần theo đúng tiêu chí soi vào sẽ cho những kết quả khách quan. Nghệ thuật âm nhạc vốn chỉ có 7 nốt nhạc chia thành 12 bán cung, mọi tác phẩm đều chỉ được sáng tạo trong chừng ấy. Một khi, chưa có những quy định thì không có cơ sở khẳng định tuyệt đối, khi tác phẩm không giống nhau 100%. Tức là không thể xử lý một cách triệt để. Trong khi đó, những biến tướng trong các nghi án đạo nhạc những năm gần đây ngày càng tinh vi, nhiều khi sự tố cáo không nằm ở giai điệu, lời ca như trong quá khứ, mà nó đã chuyển hướng sang vòng hòa âm, màu sắc âm nhạc, tương đồng về giai điệu... Đối với những nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp nếu cố tình đạo nhạc thì thậm chí người nghe còn không thể phát hiện được bởi trong nghệ thuật âm nhạc còn có nhiều thủ pháp sáng tác, lấy một ví dụ thủ pháp đảo ảnh (Invertion) chẳng hạn, tức là giai điệu giống y hệt nhưng đi ngược lại.

Như thế không có nghĩa những người “dính” nghi án không ảnh hưởng gì, bởi dù có hay không thì đã liên quan đến đạo nhạc sẽ giống như một vết nhơ trong sự nghiệp và sẽ còn bị nhắc dài lâu trong tương lai với những sự việc có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo nhạc tít mù xoay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO