Đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường

Trang Linh 02/06/2016 10:43

Theo thống kê của Bản tin thị trường lao động quý I/2016 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, trong số những người bị thất nghiệp có tới 441,1 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm 41,1% số người thất nghiệp, tăng 23,7 nghìn người so với quý IV/2015. Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Lao động, Khoa học và Xã hội, thực tế trên đã phần nào phản ánh thực trạng đào tạo chung của chúng ta hiện nay chưa thật bám sát thị trường.

Ông Đào Quang Vinh.

PV: Số liệu từ bản tin mới cập nhật, cho thấy có hơn 190 nghìn người có trình độ từ ĐH trở lên thất nghiệp. Theo ông con số này nói lên điều gì, và so với quý trước có thay đổi nhiều không?

Ông Đào Quang Vinh: Số người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp là hơn 190 nghìn người, cũng đã phần nào phản ánh thực trạng đào tạo của chúng ta chưa thật bám sát vào với thị trường. So với quý trước số người thất nghiệp cũng tăng hơn.

Lý do có thể thấy, trong quý I/2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế có giảm đi, nhiều ngành nhiều lĩnh vực giảm lao động cho nên số lượng thu hút lao động, tạo việc làm cũng bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào trong các phần kết nối cung cầu lao động, có thể thấy rằng nhu cầu tuyển dụng của quý I/2016 cũng rất đặc biệt, đó là tăng số lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp. Các doanh nghiệp tuyển dụng ít hơn số lao động có trình độ cao như ĐH, CĐ. Đó cũng là lí do tại sao số thất nghiệp ở nhóm trình độ cao nhiều lên.

Nếu so với các nước khác, cũng có một số bất cập. Số công nhân lành nghề của chúng ta trong tỷ lệ là thấp, lao động trình độ cao từ ĐH, CĐ trở lên nhiều hơn rất nhiều so với số công nhân kỹ thuật. Thực ra thế giới không đưa ra công thức nào hợp lý, tuy nhiên tỷ lệ của công nhân kỹ thuật phải cao hơn so với số CĐ, ĐH theo hình chóp, càng lên cao thì tỷ lệ càng thấp hơn.

Với thực trạng như vậy, theo ông, chúng ta cần thay đổi, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào để tránh lãng phí?

Trong rất nhiều báo cáo, nghiên cứu chỉ ra rằng đào tạo của chúng ta cần điều chỉnh theo nhu cầu thị trường. Rất nhiều chương trình, chuyên ngành đào tạo hiện nay chưa xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà mới xuất phát từ phía cung thôi, tức là khả năng đào tạo và mong muốn được đi học của HS. Để sử dụng lao động một cách hiệu quả, việc kết nối giữa đào tạo và doanh nghiệp phải làm tốt hơn.

Chúng ta vẫn thường nói về về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, nhưng theo số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nhóm CĐ nghề vẫn còn thất nghiệp rất cao. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thực ra bản tin thị trường lao động hàng quý chỉ phản ánh có tính chất thời điểm, cũng chưa thể nói rằng chúng ta đang thừa nhóm CĐ nghề. Có thể ở giai đoạn này đang có nhiều sinh viên CĐ nghề tốt nghiệp chưa có việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm CĐ chuyên nghiệp cũng đang ở mức cao nhất, theo ông lý do vì sao, có phải do việc đào tạo ở các trường này vẫn thiên về lý thuyết, chưa phù hợp nhu cầu doanh nghiệp?

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở CĐ chuyên nghiệp, có thể do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không cao với nhóm này. Hiện tượng này cũng tồn tại khá lâu rồi, chứ không chỉ trong quý I/2016.

Để tránh tình trạng lãng phí, các trường nên điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ các trường nên có điều chỉnh về quy mô, số lượng đào tạo theo tín hiệu, yêu cầu thị trường.

Kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, nhiều địa phương có trên 50% thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Điều đó cho thấy sự phân luồng đã có hiệu quả, thưa ông?

Tôi nghĩ các trường CĐ nghề, TC nghề đang là nguồn cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, các cơ sở, đặc biệt là chúng ta đang tiến hành CNH - HĐH. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng số công nhân kỹ thuật rất cao.

Các em cũng cần quan tâm theo dõi các diễn biến trên thị trường lao động, những khuyến cáo của các nhà tuyển dụng, những hướng dẫn của các trung tâm dịch vụ việc làm, nên tham khảo các nguồn, các cơ sở tư vấn về việc làm… để lựa chọn các trường, ngành nghề đào tạo, cấp đào tạo vừa phù hợp với năng lực sở trường của mình, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trên thị trường để tránh tình trạng học xong không tìm được việc làm.

Vậy theo đánh giá của ông, thời điểm hiện tại ngành nghề nào có lợi thế, ngành nghề nào có cạnh tranh cao nhất?

Cho đến nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào một số ngành nghề có trình độ tay nghề ở mức trung bình, trung bình thấp, các công nghệ tương đối giản đơn, ví dụ như ngành dệt may da giầy, chế biến lương thực, lắp ráp linh kiện điện tử… Nhưng trong tương lai khi chúng ta hội nhập sâu hơn, yêu cầu cạnh tranh cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì yêu cầu tay nghề, trình độ lao động kỹ thuật của người lao động cũng phải tăng lên.

Và chúng ta cũng cần phải hướng nghiệp cho HS, giúp cho HS, các gia đình có thông tin để lựa chọn các ngành học.

Để cạnh tranh với lao động các nước, không để bị thua ngay trên sân nhà, người lao động của chúng ta cần thay đổi như thế nào, thưa ông?

Trong quá trình hội nhập có nội dung là tự do di chuyển lao động. Trong nhiều trường hợp, lao động nước ngoài cũng vào Việt Nam thì chúng ta phải chuẩn bị hành trang một cách chủ động, trên cơ sở đánh giá xem xét tìm hiểu nhu cầu kinh tế thị trường, phải thực sự học cái gì để có thể tìm được việc làm. Chúng ta không nên chạy theo bằng cấp, không nên chạy theo những hư danh mà học cái gì thực sự phải xuất phát từ năng lực sở trường của mình và xuất phát từ yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO