Đào tạo nghề: Cần sự tham gia của khu vực tư nhân

Lan Hương 03/12/2016 08:01

Để đạt được tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần phải phát triển lực lượng lao động có trình độ cao, giúp nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Vậy, Việt Nam cần làm gì để phát triển các dịch vụ đào tạo nghề?

Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 2/12.

Đào tạo nghề: Cần sự tham gia của khu vực tư nhân

Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới trường nghề.

Đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể cho lĩnh vực đào tạo nghề, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển lĩnh vực này, đáng chú ý là Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015) và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020.

Theo đó, Chiến lược hướng tới mục tiêu: quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tới nghề đào tạo, theo vùng, địa phương; ưu tiên thành lập mới cơ sở dạy nghề ngoài công lập; khuyến khích hợp tác và thành lập các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề bao gồm, nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ đó nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề từng bước có những chuyển biến rõ rệt, chất lượng và hiệu quả đào tạo được cải thiện, mạng lưới cơ sở dạy nghề và ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hệ thống cơ sở đào tạo đông nhưng chưa đủ mạnh; năng lực các cơ sở còn yếu, đặc biệt là thiếu về nhân lực quản trị; kỹ năng của người lao động được đào tạo còn hạn chế, chưa gắn chặt các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo...

Theo các đại biểu, mặc dù hàng năm, Chính phủ Việt Nam dành một lượng ngân sách đáng kể cho giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục so với tổng chi của Nhà nước cũng tăng dần theo thời gian.

Cụ thể, tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục đào tạo nghề kỹ thuật cũng gia tăng tuy nhiên, tăng ngân sách cho giáo dục và đào tạo sẽ không đủ khả năng đáp ứng hết tất cả các nhu cầu tài chính cần thiết cho việc mở rộng các dịch vụ đào tạo nghề.

Đẩy mạnh tư nhân hóa

Thực tế vấn đề xã hội hóa công tác dạy nghề đã được đặt ra từ lâu. Cho đến nay, có khá nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã đầu tư vào việc xây dựng cơ sở, trường lớp đào tạo nghề.

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tính đến nay, cả nước có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ trên cả nước, trong đó có khoảng 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập. Mặc dù vậy, so với nhu cầu thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn và chưa đáp ứng với nhu cầu của thực tiễn.

Thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức với tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (20,62%); chất lượng lao động thấp - đứng 11/12 nước châu Á; trong số người thất nghiệp quý I-2015 có 177,7 ngàn sinh viên , đến quý I-2016 tăng lên 190,9 ngàn sinh viên và quý II-2016 có 191,3 ngàn sinh viên.

Phản ánh từ các doanh nghiệp cũng cho thấy, sự thiếu hụt các kỹ năng của lao động như một rào cản đối với sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, việc thu hút doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia đào tạo nghề và huy động các nguồn lực khác từ xã hội được xem là giải pháp mang tính đột phá cho giáo dục nghề nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Vinh- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp thẳng thắn cho rằng, dù ngân sách nhà nước hàng năm dành cho công tác đào tạo nghề đều tăng, nhưng vẫn khó có thể đáp ứng yêu cầu.

Chính vì vậy, cùng với ngân sách từ Nhà nước trong những năm qua, Nhà trường đã chủ động tìm đến với doanh nghiệp để xin liên kết tìm đầu ra.

Ý kiến của nhiều đại biểu cũng cho rằng, điểm yếu kém nhất trong công tác đào tạo nghề vẫn nằm ở tư duy trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước còn khá lớn, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đào tạo nghề đôi khi chạy theo phong trào mà không tính đến nhu cầu thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc điểm lao động và thị trường việc làm Việt Nam.

Do đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn quốc gia và có nguồn nhân lực tiếp cận được các nước trong khu vực và thế giới, cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của từng cơ sở và hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề: Cần sự tham gia của khu vực tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO