Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy (Cần Thơ): Xây dựng kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu thực hiện cụ thể

NGUYỄN NHÂN 15/07/2015 22:14

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ về việc triển khai “Đề án công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020”, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều và Bình Thủy thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch hàng năm trong đó đưa ra từng chỉ tiêu thực hiện cụ thể. Nhờ vậy, tỉ lệ lao động có việc làm được tăng lên hàng năm.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy (Cần Thơ): Xây dựng kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu thực hiện cụ thể

Để nâng cao tỉ lệ lao động có việc làm, các quận đã tiến hành thành lập
Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và đưa ra từng chỉ tiêu hoạt động cụ thể

Để đảm bảo việc thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND quận Ninh Kiều đã ban hành quyết định 160 về việc thành lập Ban Chỉ đao thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong đó Phó Chủ tịch UBND quận làm Trưởng ban; Trưởng Phòng LĐ-TB&XH và Trưởng Phòng Nội vụ làm Phó Trưởng ban còn lại là thành viên và tổ giúp việc, huy động cả hệ thống chính trị cùng chăm lo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cho các đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Các ban ngành, đoàn thể nắm chắc thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động để tư vấn cho lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ninh Kiều, Phó Ban Chỉ đạo cho biết: “Trong 5 năm qua, quận đã thực hiện 3 cuộc khảo sát và có 2.245 lao động có nhu cầu học các ngành nghề phi nông nghiệp như: May gia dụng, trang điểm, nail, chăm sóc da, kết cườm, thiết kế đồ họa…và tư vấn được 12.956 lao động. Mặc dù, triển khai Đề án theo các chính sách và cơ chế mới, Ban Chỉ Đạo quận gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện như: Tỉ lệ lao động có việc làm chưa cao, vì đa số các lớp nghề là ngắn hạn, tay nghề còn hạn chế, tổ chức ban đêm; một số phường trên địa bàn đăng ký các lớp nghề còn theo nhu cầu của người học nghề, chưa định hướng được mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm; thiếu lực lượng cán bộ chuyên trách; kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban chỉ đạo chưa có nên phần nào ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá”. Từ những khó khăn, vướng mắc đó, Ban chỉ đạo quận Ninh Kiều và các phường điều chỉnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm cho lao động qua đó từng bước thực hiện đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Quận chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các nơi có dự án phải giải tỏa, di dời dân đi nơi khác; những hộ bị thu hồi đất; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng chính sách; người dân tộc thiểu số; bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề. Song song với việc làm trên, Ban chỉ đạo đề án còn bố trí, tập huấn cán bộ, tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, hoặc liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề theo mô hình gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.… Từ khi thực hiện giải pháp này, tỉ lệ lao động có việc làm sau khi đào đạt từ 75 đến 80%, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ở quận Bình Thủy, Ban Chỉ đạo đề án tham mưu cho UBND quận ban hành quy chế hoạt động và ban hành kế hoạch về đào tạo nghề; thường xuyên tham mưu để củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo; tổ chức hội nghị sơ kết công tác nghề hàng năm, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch trong năm để rút kinh nghiệm. Phòng LĐTB&XH quận chú trọng nắm nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề phù hợp nhằm đáp ứng tốt việc làm. Hàng năm, trước khi xây dựng kế hoạch, Ban Chỉ đạo phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thống kê số lao động có nhu cầu thực tế cần học nghề trên địa bàn để tham mưu cho Ban chỉ đạo quận mở các lớp dạy nghề phù hợp.

Trong 5 năm (2010 – 2014), phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy đã bố trí, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phối hợp với các Phòng quản lý đào tạo nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức đoàn thể mở 64 lớp trình độ sơ cấp, đào tạo cho 2.189 lao động, trong đó 1.596 lao động có việc làm và tổ chức 4 cuộc điều tra khảo sát trên địa bàn phường Long Tuyền, Thới An Đông và nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của khoảng 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo để liên kết đào tạo, từ đó hiệu quả sau đào tạo được nâng lên rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy nhận định: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần có đội ngũ dạy nghề chuyên nghiệp đồng thời các cơ sở dạy nghề cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy (Cần Thơ): Xây dựng kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu thực hiện cụ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO