Đào tạo nghề: Thực học, thực nghiệp

Ngọc Nam 22/01/2017 10:30

Hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp, 997 trung tâm dạy nghề. Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), hệ thống GDNN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động năng động, thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam cả về quy mô, cơ cấu lẫn chất lượng và hiệu quả.

Nhiều bất cập

Bộ GD&ĐT hôm 1/1/2017 đã bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐTB&XH với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp. Từ năm nay, hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động ban hành.

Theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp, 997 trung tâm dạy nghề. Giai đoạn 2011-2015, các cơ sở GDNN đã dạy nghề cho hơn 9,1 triệu người đạt 74% so với kế hoạch, trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 55% kế hoạch; trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 107% kế hoạch.

Lo lắng trước tình hình tuyển sinh èo uột trong những năm gần đây của các trường nghề, ông Trần Công Chánh- Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu phân tích: Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tuyển lao động phổ thông, chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, việc phân luồng học nghề ngay từ bậc THCS ở các địa phương còn yếu, dẫn đến học sinh học xong THPT, không đậu đại học thì đi làm công nhân luôn không theo học các trường nghề. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ “giết” các trường nghề.

“Chưa kể đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDNN ở một số nơi vừa thiếu số lượng vừa yếu chất lượng. Một bộ phận giáo viên có trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng phát triển chương trình… chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, có giáo viên chỉ có lý luận suông mà không giỏi thực hành. Ngoài ra, chế độ tiền lương thấp không thu hút được giảng viên giỏi”, ông Chánh nêu.

Ông Trần Thanh Hải- Hiệu trưởng Cao đẳng Viễn Đông cũng cho rằng mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phải là con người - tức là nhân sự, giảng viên. Theo ông, nhiều năm qua, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Triển khai đào tạo nghề chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài...) còn chậm.

Tại hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tổ chức mới đây tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng phải làm rõ những bất cập hiện nay trong công tác đào tạo nghề như tình trạng người học xong không có việc làm hoặc công việc không ổn định, thu nhập không tương xứng; doanh nghiệp vẫn thiếu lao động kỹ thuật có chất lượng, thường xuyên phải đào tạo lại…

Cơ cấu tuyển sinh GDNN hiện chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 88%); trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 12% so với mục tiêu 22% đặt ra trong Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận thực tế chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung. Sự kết hợp với các DN, người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chưa chặt chẽ.

Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ là vào đại học không phải là con đường duy nhất.

Gắn với nhu cầu thị trường lao động

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, quy mô tuyển sinh 5 năm qua không đạt mục tiêu chiến lược và liên tục giảm. Sau khi học nghề, tỷ lệ người có việc làm là 78,7%, nhưng tỷ lệ người được doanh nghiệp tuyển dụng chỉ là 22,8%. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Đây cũng là mục tiêu lớn được nêu trong Đề cương dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” do Tổng cục Dạy nghề xây dựng với với mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 3,2 triệu người; đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên khoảng 8,8 triệu người; đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia cho khoảng 6 triệu người lao động.

Hệ thống GDNN có khoảng 70 trường chất lượng cao; hình thành 150 nghề trọng điểm; chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế, khu vực ASEAN và chuẩn hóa 70% giáo viên dạy các ngành nghề không được đầu tư trọng điểm; khoảng 70% các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn được ban hành; kiểm định chất lượng cho 60% trường cao đẳng, 40% trường trung cấp, 10% trung tâm GDNN và 80% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia…

Theo hướng này, ngành LĐTB&XH nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quản lý GDNN theo hướng chú trọng đầu ra, làm tốt khâu kiểm định chất lượng; xây dựng lực lượng giáo viên và cán bộ quản lý GDNN có kỹ năng tốt, phương pháp tốt và thực sự tâm huyết với nghề nghiệp.

Hệ thống GDNN sẽ được rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại theo hướng tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế sáp nhập, giải thể những cơ sở đào tạo không tuyển được học sinh, hoạt động không hiệu quả; có cơ chế hợp tác công-tư để đầu tư, khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, nhà giáo, chương trình, giáo trình… nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng và hiệu quả đầu tư.

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ để phát huy tính năng động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các trường về chất lượng, hiệu quả đào tạo; có cơ chế để từng cơ sở đào tạo công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả tuyển sinh, hiệu quả đào tạo của từng ngành, nghề để người dân có thông tin khi đăng ký học nghề, để Nhà nước, DN và xã hội giám sát kết quả, hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt chú trọng hơn nữa giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp; dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để làm cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp phát triển.

Cũng tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặt câu hỏi làm thế nào để đổi mới GDNN, đổi mới các trường CĐ và trung cấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không có cách nào khác là phải tự chủ.

Phó Thủ tướng khẳng định, tự chủ là chủ trương chung của giáo dục ĐH, GDNN và hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là thuộc tính của giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao. Ngân sách Nhà nước không cắt ngay, nhưng sẽ đổi mới cơ chế phân bổ, không thể duy trì tình trạng bao cấp cào bằng từ ngân sách Nhà nước.

Về nguồn tuyển, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để thay đổi tâm lý bằng cấp cũng như tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đòi hỏi cần phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cả nước, phải sửa cả luật và những văn bản liên quan. Chỉ khi nào làm tốt phương thức thực học, thực nghiệp thì sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề: Thực học, thực nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO