Đào tạo văn bằng 2: Tự chủ không có nghĩa là buông giám sát

Dung Hòa 06/08/2019 06:00

Theo quy định của Bộ GDĐT, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục đại học (ĐH) hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT. Đồng thời, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT hoặc của các ĐHQG, ĐH vùng. Sự việc của trường ĐH Đông Đô vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi lớn: Các quy định chặt chẽ đến vậy, tại sao vẫn có chuyện trường này thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết? Bộ GDĐT có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2 hay không?

Đào tạo văn bằng 2: Tự chủ không có nghĩa là buông giám sát

Trao cơ chế tự chủ cho các trường đại học, cần đi kèm với giám sát tuyển sinh, đào tạo.

Theo quy định của Bộ GDĐT, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục đại học (ĐH) hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT. Đồng thời, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT hoặc của các ĐHQG, ĐH vùng. Sự việc của trường ĐH Đông Đô vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi lớn: Các quy định chặt chẽ đến vậy, tại sao vẫn có chuyện trường này thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết? Bộ GDĐT có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2 hay không?

Giám sát chặt chẽ, sẽ không có sai phạm

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, dù không được Bộ GDĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng nghìn văn bằng. Trong khi đó, theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT về việc đào tạo văn bằng 2 quy định rõ: Việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT và đối với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính qui của ngành đó tốt nghiệp. Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GDĐT. Trên cơ sở đề nghị về chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GDĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng ĐH thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.

Cùng với đó, dù theo Luật Giáo dục ĐH năm 2012, các trường ĐH được mở rộng phạm vi thực hiện quyền tự chủ, nhưng riêng với đào tạo văn bằng 2 vẫn được Bộ quản lý và giám sát chặt chẽ.

Trở lại với sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, dư luận không khỏi băn khoăn rằng việc này diễn ra từ năm 2016 đến nay, với hàng trăm học viên đã tốt nghiệp, được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng không bị phát hiện, xử lý. Vậy trách nhiệm của Bộ GDĐT đang ở đâu? Cho dù ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) lý giải, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình; Bộ GDĐT chỉ cung ứng phôi bằng cho trường, việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát bằng là trách nhiệm của trường, nhưng dư luận thấy vẫn chưa thỏa đáng…

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, trước hết Bộ GDĐT cần chủ động kiểm tra và làm rõ trách nhiệm về phía mình. Bởi chắc chắn có khe hở từ phía cơ quan quản lý nên các trường mới có thể lợi dụng điều đó để trục lợi. Hơn nữa, dù việc này đã được phân quyền về các trường nhưng trách nhiệm của Bộ vẫn phải thường xuyên thanh tra, giám sát. Nếu làm chặt chẽ điều này, việc phát hiện ra sai phạm là không khó.

Thanh tra hình thức?

Thực tế cho thấy, dù Bộ GDĐT đã thường xuyên thanh tra giám sát, nhưng qua vụ việc sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, thì rõ ràng những sai phạm này chưa được phát hiện sớm.

Đơn cử như trong tháng 5/2019, Bộ GDĐT đã tổ chức thanh tra chương trình liên kết đào tạo, văn bằng 2 ở nhiều trường ĐH. Mục đích của hoạt động này nhằm chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều cơ sở giáo dục ĐH. Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ đã ban hành các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này như Thông tư số 07 ngày 15/3/2017 quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ sở GDĐH thực hiện, đồng thời là cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Bộ GDĐT nhấn mạnh: Kết quả kiểm tra là căn cứ để chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo và là cơ sở để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi đó, Bộ GDĐT cũng cho hay đang dự thảo văn bản gửi các ĐH, học viện, trường ĐH để chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Nội dung yêu cầu các cơ sở đào tạo ĐH rà soát toàn bộ các hoạt động trong công tác tuyển sinh và đào tạo liên thông, văn bằng 2, liên kết đào tạo; đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định hiện hành về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDĐH, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định trách nhiệm quản lý về liên kết đào tạo trên địa bàn đối với các cơ quan quản lý giáo dục đảm bảo phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Bộ GDĐT tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục…

Tất nhiên, ở thời điểm ấy chưa có thống kê cụ thể hoặc sai phạm cụ thể nào trong đào tạo văn bằng 2 được chỉ rõ. Duy chỉ có đào tạo liên kết được chỉ ra là có nhiều sai phạm. Năm 2019, qua thanh tra tại 5 cơ sở giáo dục ĐH và 2 Sở GDĐT đã phát hiện 8 cơ sở giáo dục ĐH với vai trò là đơn vị chủ trì liên kết đào tạo trình độ ĐH hoặc đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính chưa đúng quy định pháp luật với 28 cơ sở giáo dục với vai trò là đơn vị phối hợp đào tạo. Những vi phạm điển hình qua rà soát đã phát hiện ra gồm: Liên kết đào tạo khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đối tác liên kết, địa điểm đặt lớp chưa đúng quy định; liên kết đặt lớp tại bên thứ 3 không đúng quy định; đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; liên kết đào tạo trình độ ĐH chính quy… Theo ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, qua công tác thanh tra cho thấy việc quản lý nhà nước về hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn của địa phương còn lỏng lẻo.

Băn khoăn quyền lợi người học

Giờ đây, băn khoăn lớn nhất là quyền lợi của người học đã/đang học hệ văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Đông Đô sẽ ra sao? Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, các học viên học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường này có thể chia làm hai nhóm: không thi tuyển và học thật, thi thật. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào, điều kiện đầu ra, quá trình tổ chức quản lý đào tạo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ thì nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học. Nhưng trong sai phạm cụ thể ở Trường ĐH Đông Đô thì việc xác định những điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học rất phức tạp…

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), từ sự việc sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô, ngoài cảnh báo về quản lý lỏng lẻo trong việc tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở ĐH, còn nên xem lại các quy định về bằng cấp mang tính hình thức. Giờ đây yêu cầu công khai tuyển sinh thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời” như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo văn bằng 2: Tự chủ không có nghĩa là buông giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO