Dập tắt nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng

Đức Trân 15/07/2020 09:05

Ngày 14/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều trị cho trẻ nghi nhiễm bệnh tay chân miệng tại Gia Lai.
Điều trị cho trẻ nghi nhiễm bệnh tay chân miệng tại Gia Lai.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%, tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

TCM là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Nhi trung ương, tính từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc TCM. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 và 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại TP HCM, ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, trong tuần đầu tháng 7 vừa qua, số người nhập viện vì sốt xuất huyết (SXH) và TCM đều tăng cao. Cụ thể, số người mắc SXH tăng 59 trường hợp, còn mắc bệnh TCM là 50 người so với tuần trước đó. HCDC dự báo, sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP HCM đã bước vào mùa cao điểm.

Được biết, trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh SXH và TCM hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng.

Trong đó, SXH tăng 59 trường hợp; TCM tăng 50 trường hợp so với tuần trước. Mặc dù so với tuần đầu của tháng 7/2019, số ca bệnh của năm nay vẫn thấp hơn năm ngoái nhưng với sự biến động so với các tuần trước đó thì dự đoán mùa cao điểm của SXH và TCM đã quay lại.

Hiện dịch bệnh TCM chưa có vaccine phòng bệnh, dự báo số ca mắc có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dập tắt nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO