Đất nước cần khoa học công nghệ để phát triển

Dạ Yến 07/08/2016 16:27

“Đất nước cần khoa học công nghệ (KH-CN) để tăng năng suất lao động, không làm ô nhiễm môi trường, giữ gìn văn hóa, để cạnh tranh và làm nhiều việc có ích hơn nữa... cho nên chúng ta cần công nghệ, đòi hỏi phải có công nghệ”, đó là những chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (5/8/1976 – 5/8/2016), nơi mà ông từng giữ vai trò người đứng đầu.

Đất nước cần khoa học công nghệ để phát triển

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thân mật đón ông Hoàng Anh Tuấn,
nguyên Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh nay đã 83 tuổi.

1. 40 năm phát triển đồng hành với công cuộc xây dựng đất nước, Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực góp phần đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và nhất là KH-CN.

Trong ngôi nhà xưa, khuôn viên, phòng họp cũ, gặp lại nhiều đồng nghiệp cũ, đặc biệt là những vị lãnh đạo tiền nhiệm như Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh nay đã 83 tuổi… Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân xúc động nhớ lại những ngày đầu khi được phân công về làm Giám đốc Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh.

Với tâm niệm “KH-CN là để phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ rằng, bản thân ông đã gặp nhiều “lúng túng” khi vấp phải mâu thuẫn trong tư duy của nhiều doanh nghiệp thời đó “doanh nghiệp cần tiền, không cần KH-CN”. Ngay lúc đó, ông đã trăn trở phải làm thế nào xoay lại nhận thức “cần công nghệ, cần khoa học”.

Sau khi khảo sát 25 doanh nghiệp thành đạt, người đứng đầu Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh thời kỳ ấy mới phát hiện ra một điều là cả 25 doanh nghiệp thành đạt này đều sử dụng khoa học công nghệ rất tốt thì trước đó quãng 10 năm, tất cả đều rơi vào tình cảnh sắp phá sản.

Sử dụng khoa học công nghệ chính là “cái phao” cho những doang nghiệp sắp “chìm”- thực tiễn này càng khẳng định cho niềm tin vào việc phải đầu tư cho KH-CN, phải phát triển KH-CN mà ông đã dành nhiều tâm huyết trước đó.

2. Một trong những bước đi đầu tiên mà Sở KH-CN lúc đó làm là hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học” trong hoạt động KH-CN thông qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cụ thể, Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh đã trình lãnh đạo thành phố mở chương trình đào tạo 1.000 giám đốc doanh nghiệp.
Đồng thời bước đầu hình thành thị trường khoa học và công nghệ thông qua tổ chức các Chợ thiết bị - công nghệ, Chợ tư vấn KH-CN.

Chương trình 1.000 giám đốc chính thức truyền tải bài học hiện đại hoá bưu chính viễn thông.

Một trong những học viên khoá đầu tiên đó chính là bà Hồ Thị Kim Thoa khi đó là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP bóng đèn Điện Quang, giờ là Thứ trưởng Bộ Công thương.

Với sự điều hành của bà Kim Thoa, công ty đã có những bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm từ 12-30%.

Bà Hồ Thị Kim Thoa cũng là nhân tố quan trọng đưa Điện Quang đến vị trí nhà sản xuất đáp ứng 70% nhu cầu thị trường Việt Nam hiện nay. Đó là một trong những nhân tố điển hình từ chương trình đào tạo 1.000 giám đốc của Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều doanh nghiệp thành đạt sau này.

Chính từ những điểm sáng như vậy, mô hình liên kết: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học” đã góp phần định vị TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương quy hoạch đầu tiên trên cả nước khu công nghiệp phần mềm Quang Trung, tiền đề để trở thành khu công nghiệp phần mềm lớn nhất cả nước.

TP Hồ Chí Minh cũng là một trong hai địa phương đầu tiên quy hoạch khu công nghệ cao với tốc độ phát triển lớn nhất cả nước.
Đây cũng là nơi đầu tiên hình thành Trung tâm nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị. Đó là nơi nghiên cứu những mô hình kinh nghiệm nước ngoài để sản xuất thiết bị trong nước với giá giảm ít nhất gần một nửa so với giá nước ngoài…

Những thành tựu này còn có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đất nước cần khoa học công nghệ để phát triển - 1

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thân mật đón ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh.

3. Để khoa học phát triển xứng đáng với tầm vóc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải gắn với doanh nghiệp, gắn với đào tạo, gắn với nhà nước. Và như vậy các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước, nhà trường - 4 nhà này cần phải gắn thêm nhà mạng để tiết kiệm chi phí.

Đó cũng là một trong những kết nối vô cùng quan trọng để làm tiền đề xây dựng nên thành phố thông minh- một không gian sống trong tương lai mà TP Chí Minh đang hướng đến.

Thành phố thông minh là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động từ chính quyền, doanh nghiệp cho đến mỗi người dân để đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.

Kỳ vọng vào một thành phố thông minh đang khiến nhiều người bày tỏ sự nghi ngại khi phải đối mặt với thực tế hiện tại. Nhưng việc xây dựng một “thành phố thông minh” hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. TP Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài xu thế đó.

Vấn đề lúc này là cần sự quyết tâm của chính quyền, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của mỗi công dân.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, muốn phát triển nhanh phải dựa vào nguồn lực có chiều hướng tăng lên. Nguồn lực của Việt Nam luôn có chiều hướng tăng lên chỉ có thể là con người.

Trong khi các nước khác ngày càng thiếu lao động thì Việt Nam lại có nhiều lao động. Xu hướng này còn tăng lên trong 30 năm nữa.

Cho nên, lời giải cho bài toán phát triển ở đây, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, vấn đề không phải là tiền mà là con người với sức lực và sự sáng tạo.

4. Sáng tạo chính là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh có sẵn của người Việt Nam. Nhưng làm sao để cổ vũ và quy tụ sức mạnh ấy trong giai đoạn mới là điều trăn trở của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân không phải chỉ khi ông ở trên cương vị là người đứng đầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam- tổ chức có nhiệm vụ đoàn kết tập hợp sức mạnh Việt Nam mà còn là nỗi trăn trở của ông từ cách đây 20 năm khi còn là Giám đốc Sở KH-CN ở một thành phố đông dân và có tốc độ phát triển bậc nhất của cả nước.

Trăn trở này khiến chúng tôi nhớ tới cuộc trò chuyện với ông Ang Hak Seng, Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội nhân dân Singapore- một tổ chức có chức năng tương đồng như MTTQ Việt Nam khi có dịp đến thăm đất nước này.

Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, muốn đoàn kết những trí tuệ đa sắc tộc thì trước hết phải chấp nhận, tôn trọng mọi sự khác biệt để cổ vũ sự sáng tạo của cá nhân mỗi người.

“Bởi vì hành trình vươn lên của chúng tôi vô cùng gian nan, nếu không có ý chí, không có sự sáng tạo từ cá nhân mỗi người, không có sự đoàn kết trong mỗi cộng đồng sắc tộc, chúng tôi không thể có mọi thứ như ngày hôm nay”, ông Ang Hak Seng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ang Hak Seng, để nuôi dưỡng những mầm ươm sáng tạo, Chính phủ đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ.

“Ngân sách có thể bị cắt giảm nhưng đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ luôn được ưu tiên hàng đầu, vì đó là sự đầu tư cho tương lai" - Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore khẳng định.

Từ Singapore quay trở lại với Việt Nam để thấy đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội.

Cơ hội của xuất khẩu, chưa bao giờ lớn như bây giờ. Cũng chưa bao giờ nguồn nhân lực lớn như bây giờ. Trong bối cảnh ngân sách ngày càng khó khăn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là hai cơ hội để chúng ta có thể phát triển.

Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng con người, cần phải có khởi nghiệp. Câu chuyện khởi nghiệp chính là câu chuyện phát triển tiềm năng con người ở đất nước này.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam hiện có nửa triệu doanh nghiệp.

“GDP được tạo ra bởi doanh nghiệp, không có doanh nghiệp thì cơ bản không có sản phẩm nội địa. Cho nên đối với riêng Việt Nam, yêu cầu phải tăng nhanh số lượng doanh nghiệp trong 20 năm tới là vô cùng quan trọng. Điều này quyết định tăng trưởng quốc gia”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

5. Chính phủ phấn đấu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp.

TP HCM hiện nay có 260.000 doanh nghiệp. Với vị trí của một thành phố đông dân nhất cả nước, có lợi thế tiềm năng về con người, thì việc đặt mục tiêu nửa triệu doanh nghiệp trong thời gian tới là điều quan trọng cần thiết.

Nhưng để làm được cuộc đột phá mang yếu tố doanh nghiệp này có rất nhiều việc phải làm trong đó có vai trò của khoa học công nghệ, phải đầu tư cho khoa học để đào tạo những người chủ doanh nghiệp tương lai biết quản trị doanh nghiệp, biết khai thác khoa học công nghệ gắn với khởi nghiệp và sáng tạo.

Trụ sở của Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh vẫn không có nhiều thay đổi sau 40 năm, nhưng với những người nặng lòng với nơi này như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các thế hệ cán bộ, lãnh đạo qua các thời kỳ thì từ nơi này, những người ngồi đây đã và sẽ thay đổi nhận thức để thành phố phát triển.

“Không phải cứ xây nhà mới thì có ý tưởng mới vấn đề là có thể ngồi trong nhà cũ mà vẫn có ý tưởng mới. Những ý tưởng mới giúp chúng ta thay đổi nhận thức, đoàn kết, sáng tạo tiên phong để đưa thành phố này đi lên”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm hy vọng.

Lịch sử đã chứng minh: Giáo dục là gốc. Đoàn kết để tồn tại và sáng tạo để phát triển. Đất nước muốn tiến lên, chỉ có một con đường duy nhất là đoàn kết và sáng tạo.

Một đất nước có nhiều người biết và muốn sáng tạo, một Chính phủ biết thúc đẩy cho sự sáng tạo, bằng việc đầu tư cho giáo dục, cho khoa học công nghệ đúng tầm, đó chính là cội nguồn của một quốc gia sáng tạo và làm chủ nền kinh tế tri thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nước cần khoa học công nghệ để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO