Đặt tên cho con có tên đệm nước ngoài có được không?

Theo VGP 29/08/2019 10:32

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, công dân Việt Nam có tên gọi (bao gồm cả chữ đệm nếu có) phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không được sử dụng tiếng nước ngoài.

Khách hàng của Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội là người nước ngoài, hiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đã kết hôn với một công dân Việt Nam. Vợ chồng người này đã sinh con và quyết định chọn quốc tịch Việt Nam cho con.

Vừa qua, vợ chồng người khách hàng mong muốn thay đổi chữ đệm trong tên của con trai mình. Tuy nhiên bộ phận tư pháp – hộ tịch thuộc UBND TP. Vinh đã từ chối đăng ký tên của đứa bé với lý do, công dân Việt Nam có cha/mẹ là người nước ngoài chỉ có thể có một chữ tiếng Anh trong tên gọi của mình. Trong trường hợp này, tên của người con chỉ bao gồm họ của cha mà không thể có thêm một chữ tiếng Anh nào khác.

Theo tìm hiểu của Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội, việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành khác thì trường hợp khách hàng này sẽ không bị pháp luật hạn chế quyền thay đổi chữ đệm trong tên của con.

Để có cơ sở thực hiện, Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội đã gửi công văn xin ý kiến của UBND TP Vinh và Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty vẫn chưa nhận được công văn trả lời từ các cơ quan này.

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Tư pháp tại UBND TP Vinh, Chi nhánh Công ty nhận được thông tin sẽ phải bổ sung giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của Chi nhánh Công ty đối với khách hàng. Sau đó, Chi nhánh đã gửi Giấy ủy quyền do khách hàng ký và công văn giải trình việc bổ sung hồ sơ đến UBND TP Vinh.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, thay mặt khách hàng, Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn việc thay đổi tên đệm cho con trai của người khách hàng.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì công dân Việt Nam có tên gọi (bao gồm cả chữ đệm nếu có) phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không được sử dụng tiếng nước ngoài.

Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì khi thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo ủy quyền, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo các tài liệu gửi kèm thì Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội đã không tuân thủ đúng quy định pháp luật về việc ủy quyền theo quy định pháp luật khi đến làm việc tại Phòng Tư pháp TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Việc Phòng Tư pháp thành phố Vinh từ chối tiếp Chi nhánh Công ty Luật tại Hà Nội và hướng dẫn thay đổi chữ đệm của cháu bé là phù hợp quy định pháp luật dân sự và pháp luật hộ tịch hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt tên cho con có tên đệm nước ngoài có được không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO