Đất thở

Nguyễn Quang Hưng 02/08/2021 10:00

Tôi cứ dừng lại ở ngã tư mà nhìn sang bên tay trái, phần khoanh tròn của đầu giải phân cách mà thấy… nhẹ người đi một chút.

Trong bao quanh của các vỉa bê tông là vạt cỏ xanh. Dù nhỏ thế thôi, non non, dại dại cũng làm mình man mát đôi mắt giữa nắng ngày gắt gỏng. Và dưới chân cỏ lúp xúp ngắn, vây chen, dựa vào với nhau ấy, là đất nâu. Đã bao lâu rồi mắt tôi không nhìn thấy màu đất?

Nâu nhạt nhạt một góc bánh ga tô, một que kem sô cô la Tràng Tiền vài vệt hơi nước trăng trắng sờn sờn. Khoanh đất nhỏ không dễ nhìn thấy trong ngày chen chân làm cho tôi nghĩ ngợi.

Thật thế! Hóa ra một cái nhìn xoàng xĩnh thôi, thấy màu đất nâu trong thành phố, cũng là hiếm. Lạ làm sao! Nhìn màu đỏ, trắng, tím tươi, vàng rực hộp nhựa biển shop thời trang, hàng điện thoại di động, nhìn vàng nhủ bừng sáng trung tâm thương mại, nhìn những ô mảng kính nâu, kính xám loang loáng, nhìn tường cao vút chung cư ghi, xanh và đèn đường đèn xe đỏ lấp lánh chen chúc chưa đủ hay sao mà muốn nhìn thấy màu nâu màu đen của đất!

Nhưng chính thế đấy! Giữa cuộc đu quay chỉ biết lúc bắt đầu mà chưa thấy dựng lại của những bê tông nhà cao, nhựa đường, sắt thép máy móc gò hàn, inox, sứ trắng bóc nhà vệ sinh, nhựa những ống truyền nước cất, cao su đệm da ghế ngồi và bìa và vải và giấy và cả máy vi tính tỏa hơi nóng phòng điều hòa lạnh…, mình muốn nhìn để nghe đất thở.

Đã bao năm rồi không lò dò cả tiếng ngoài vườn quê ngoại nhìn con cóc nhảy nhát một, nhát một mãi mới hết rào cây bên này rồi sang khuất sau bụi cây vườn hàng xóm. Thỉnh thoảng nó dừng lại một lát, mắt chầu chẫu, họng phập phồng như ngẫm nghĩ cái gì đến sốt cả ruột. Trông con ốc sên bò đi trên đất chỗ bàng bạc vụn bùn khô, chỗ loang lổ những đám rêu xanh mờ, mới thấy là lâu la. Vệt nhơn nhớt cõng cái vỏ xen dọc nâu nâu trắng trắng cứ dích mãi dích mãi. Rồi sợi kiến đỏ đen nâu dài loằng ngoằng bò ngoằn nghoèo lên trên, xuống dưới mảnh ngói vỡ đỏ nhợt đã phủ lem nhem đất cát. Chúng cứ long nhong vác, chuyền những hạt cơm, khi tôi vứt chiếc lá khô nhỏ vào đám kiến, tưởng như chiếc lá tự dịch chuyển trên đất. Bọn kiến leo rất nhanh qua những mấp mô lụn vụn của đất, những mẩu đá nhỏ lẫn gạch lẫn vỏ hến. Rồi nữa là những cụm rau ngót lưa thưa, dây khoai lang lê la và những bụi rau dền xanh xanh tía tía mọc len lỏi về phía chân hàng rào găng. Đất vườn không phẳng, cứ nhấp nhô, gồ ghề, rau cỏ cũng theo thế mà… trùng điệp làm tôi nghĩ về rừng. Mấy cành tre khô dài khẳng khiu, vài mảnh gỗ bỏ đi ẩm ướt gác lên nhau dấp dấp vào góc vườn. Vài gốc sấu, gốc ổi, hồng bì khô mốc, im lìm… Những cây những rau vườn quê, mỗi khi mưa quất xuống là những vụn đất bắn vung lên gốc, lên lá, nắng làm khô rơi rời rạc, rồi cơn mưa khác lại đến gột sạch.

Những vạt cỏ cứ mất dần dưới những bóng cây. Ảnh: Hoàng Thu.

Tôi mới nhớ những vườn quê ngày nọ, ngập sâu từ nền đất chỗ rắn đanh lồi lõm, chỗ tơi bở, chỗ lạo xạo những vụn những sạn, cây lá cứ thế vươn lên, dài ra, bò đi, lan man và sum suê. Cũng có khi lá tre lá sấu rụng đầy mặt đất, điểm trăng trắng hoa bưởi thơm mịn, rồi khô héo thì người lớn quét gom đốt đi. Có khi kệ đấy, lá vàng úa, khô mủn, rồi ngấm dần vào trong đất. Về quê ở chơi, ngoài nền gạch vuông hồng đỏ sân trên sân dưới, đường ngõ xếp gạch dựng phần sườn lên đã bám rêu hai bên gờ, và những bậc thềm, với nền nhà gạch, là những khoảnh đất vườn xen kẽ. Ngoài khu vườn rộng bên ngoài nhà, thì nối giữa nhà chính với bếp, vẫn có thể là vạt vườn nhỏ lúp xúp mấy bụi chuối, giàn mướp, liền nơi đứng chân của cây rơm lừng lững. Cả nền bếp với một phần nền nhà, có khi vẫn là những vuông đất nện, cắm lỗ chỗ mấy đám hạt trám bổ đôi. Đi chân đất cả ngày như thói quen người ở quê hay đi đất, thì tha hồ mát. Cố nhiên là chúng tôi về quê không quen, bắt chước người lớn bỏ dép ra, dẫm vào ngói vào sỏi bênh lên đau nhói, có khi bị gai đâm hay viên sạn mắc lại trong gan bàn chân thì khốn khổ. Lớn lên rồi, ngẫm lại, chả đi chân đất, thì trên nền đen quánh chắc nịch ấy, trên những vạt vườn nào cỏ nào lá nào những khoảnh đất trơ trọi, đứng lúc nào cũng cảm thấy mềm đi, dịu lại, trong hơi cây, hơi đất, trong xanh tươi, mỡ màu, và chút gì hoang dã.

Ở nơi mặt đất rộng dài, nhìn rõ ngày ngày như đường quê như đồi núi, thì người ta có nghĩ gì viển vông về đất ngoài việc cuốc cày xới xáo lên chính cái vùng đất ấy. Nhưng bây giờ đi trong phố, có thấy vạt cỏ nào thì tôi vẫn thích bước vào để có cảm giác đứng trên lá xanh, trên đất mềm. Cũng hiếm hoi lắm, vì nhiều phần đã là hè phố các loại gạch đá thay nhau lát kín rồi. Mà cỏ thì công nhân chăm tưới cũng không cho dẫm vào. Lắm khi chỉ có mỗi một khoanh nhỏ quanh gốc cây to, sót vài “lá” đất nhỏ giữa những khúc rễ, vẫn thích đứng chân vào đấy.

Mà lạ, dưới gốc những cây thân gỗ, càng theo năm, gạch, đá, xi măng càng bó xít lại đến vậy nhỉ! Tiếc sao người ta không cứ để hẳn một ô, một khoảng đất giãn ra ba phía, hai phía từ gốc cây để chỉ là đất và rễ thôi, để cứ kệ cho cỏ mọc. Xưa phổ biến là những bồn cây xây gạch bao tròn quanh gốc. Vẫn còn đó một vòng đất cho nước ngấm, cho cỏ lên một tấm thảm lưa thưa. Bây giờ gần như phẳng hết những mặt đá rồi. Khô quá! Cứng quá! Tôi tưởng như gốc rễ bị dồn lại vậy! Những khúc rễ ngắn ngủi nhô lên, thụt xuống ép dưới mặt đá dày, không thấy những đường bò lan tự nhiên nữa.

Xây dựng đô thị bề thế, phố đường thẳng băng, vững chãi mặt nền cho những bước chân đi lại. Những sảnh cơ quan bóng vân đá màu, những sân gạch sân đá nhám giời mưa bánh xe máy, gót giày dẫm không trơn trượt. Nhưng vạt cỏ, khoảnh đất sao cứ vắng đi, cứ khuất dần dưới những bóng cây. Tôi thật tiếc một khuôn viên cỏ và những bụi cây đầy vẻ thiên nhiên nơi trường mỹ thuật kia. Trên phần đất vườn ấy, từng bày những bức tượng nông dân, người phụ nữ đeo gùi, những khối điêu khắc đồng, sắt hàn nhì nhằng, cỏ xanh chờm lên loi thoi dưới chân bệ. Bỗng một ngày nào cả khoảnh vườn lát đá kiên cố và lắp đặt bể đá, đài phun nước bề thế. Hào nhoáng quá, bóng lộn quá, những cái cây tỏa bóng trên nền cứng chắc nhìn cũng có phần khô khan, nhàm tẻ.

Có lẽ cũng không nên chạy theo thiên nhiên, tự nhiên đến mức phản đối các vật liệu tiện nghi cho đời sống đi lại, đứng ngồi, lượn ra lượn vào thêm phần chắc chắn, sạch sẽ. Nhưng nếu chúng ta xây dựng, kiến tạo những phố sá, những cảnh quan, những không gian xanh mà ở đó, nét tự nhiên quý giá bị mài đi, bị cắt xẻ như những đường dọc đường chéo người thợ đá mài giũa những miếng đá hoa vậy, thì quả là phí, là tiếc - nếu không muốn nói làm mất đi vẻ tự nhiên là có hại!

Hãy để đất lộ ra trong phố phường, cho cỏ cây lên, cho đất đai còn thở, còn ngấm sương mưa và đón cả ánh nắng. Tôi cứ lẩm nhẩm nghĩ thế, vì hình như chỉ riêng những hàng cây đón nắng mưa là chưa đủ. Một chiếc ghế đẹp dưới gốc cây tỏa lan những tầng lá, râm mát tiếng chim hót. Những ai đó nghỉ chân sau nhịp chạy. Ai ngồi đọc sách, chiếc bánh mỳ kẹp ít ruốc và chai nước lọc - bữa trưa giản dị. Một ai trầm ngâm ngắm dãy nhà năm xưa… Chiếc ghế trên mặt đất, trên cỏ, chân người đặt xuống mềm mại, nhẹ nhàng. Thế có hơn không khi người ngồi ghế trên một nền đá dày ngày hè nực nội.

Tại sao lại chỉ có thể đi ra ngoại ô, về đồi, lên núi, người ta mới có thể hưởng cảm giác thiên nhiên của những nhịp chân rảo bước trên lá cỏ, trên gió thoáng và hơi nước bay. Chỉ một tấm khăn trải lên đất đồi núi, ven đầm nước, ta có chỗ ngồi thong thả, thư nhàn. Làm sao trong phố này, có những vùng đất, nước, cỏ cây, cho chúng ta thong dong và yên tâm tìm đến. Ta nghỉ chơi một khoảng thời gian nhẹ nhõm, vừa vặn thời gian biểu tất bật trong ngày trong tuần. Và ta thêm yêu phố phường này, như một nơi có thể chăm lo cho mình cả những khoảng khắc thiên nhiên hiếm hoi, nơi có những dáng vẻ tự nhiên trên nền đất nâu mềm mà ta sẽ gìn giữ.

Chứ không phải chong chóng mau mau làm cho đến cuối tháng cuối tuần rồi rủ nhau lên đường, đi… trốn thành phố! Hình như có gì hơi bất công trong trường hợp này? Tại sao thành phố không thể thiên nhiên, không thể có những không gian mang không khí của đồng cỏ, đầm hồ, những vạt rừng thưa, những vườn cỏ hoa rộng rãi và trong trẻo…

Nghĩ về điều này, hãy nghe đi, đất thở…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất thở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO