Đặt tiền ít nhất 15 triệu đồng để được tại ngoại

PV 11/07/2017 18:25

Bộ Công an cùng nhiều bộ, ngành đề xuất cho phép bị can, bị cáo được đặt tiền ít nhất 15 triệu đồng để được tại ngoại.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

Trong đó, số tiền đặt có thể được giảm xuống tối thiểu 15 triệu đồng nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”.

Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, người từ đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được xem xét giảm tiền bảo lãnh tại ngoại.

Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt 200 triệu đồng.

Bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này thì mới được xem xét cho đặt tiền tại ngoại. Nếu thực hiện không đúng, bị can, bị cáo sẽ bị tạm giam. Số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Dự thảo TTLT cũng nêu rõ 9 trường hợp không được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại gồm: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép; Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; Bị can, bị cáo phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Bị can, bị cáo nghiện ma tuý; Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức; Bị can, bị cáo là người tái phạm nguy hiểm; Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt tiền ít nhất 15 triệu đồng để được tại ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO