Dấu ấn lịch sử đô thị

Hạnh Nhân 07/11/2021 06:51

Sáng 6/11, Hà Nội đã nhận bàn giao dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông để chính thức vận hành khai thác thương mại. Đây cũng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và trên cả nước. Ngay sau lễ bàn giao, các nhà ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa. Người dân có thể vào ga và trải nghiệm đi tàu miễn phí trong 15 ngày đầu.

Giải quyết cơ bản ùn tắc phía Tây Hà Nội

Dự lễ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và nhiều lãnh đạo TP Hà Nội, các bộ ngành, tổng thầu.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến đường sắt khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía Tây của Hà Nội. Sau quá trình xây dựng, Bộ GTVT đã kiểm tra, nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn chất lượng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác thương mại.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận bàn giao dự án metro Cát Linh - Hà Đông từ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Quang Vinh.

Sau thời gian miễn phí 15 ngày đầu, giá vé lượt dự kiến là 8.000 đồng với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến. Ngoài ra, còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 100.000 - 200.000 theo đối tượng khách. Người được miễn phí đi xe buýt ở Hà Nội cũng sẽ được miễn phí đi tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tuần đầu, tàu điện hoạt động từ 5h30 đến 20h hàng ngày, tần suất 15 phút mỗi chuyến, tuần tiếp theo 10 phút mỗi chuyến. Sau 6 tháng, thời gian vận hành kéo dài đến 22h30, tần suất giờ cao điểm 6 phút mỗi chuyến. Nếu khách đi đông, biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây.

Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe máy tại các bến.

Phía cơ quan tiếp nhận, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn bày tỏ: Chúng ta vui mừng có mặt tại đây để tổ chức lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước và đưa vào vận hành khai thác.

Như vậy, sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, đây là thời điểm mang tính lịch sử để đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 có 10 tuyến đường sắt đô thị kết nối các khu vực vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô.

Ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học để chuẩn bị các công trình tiếp theo.

Theo ghi nhận, từ 9h ngày 6/11, các nhà ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa. Hàng trăm người dân háo hức xếp hàng dài vào ga để trải nghiệm đi tàu miễn phí.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Nam từ Đan Phượng cho biết: Thực hiện mong ước muốn đi tàu điện của cậu con trai, hôm nay cũng là ngày nghỉ nên tôi đưa nhau ra ga Cát Linh để trải nghiệm chuyến tàu, trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội.

Bà Nguyễn Thu Ngọc, quận Ba Đình cũng bắt xe buýt đến ga Cát Linh từ sớm để được lên chuyến tàu điện đầu tiên.

“Tôi chờ đợi từ lâu rồi và rất vui khi thấy Hà Nội có tàu điện như các nước tôi đã từng đến du lịch. Mong Hà Nội sớm hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị để chấm dứt cảnh tắc đường, và người dân được hưởng một phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại”, bà Thu chia sẻ.

Đằng đẵng 10 năm

Cùng nhìn lại 10 năm thi công xây dựng: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2013.

Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc vay vốn theo Hiệp định khung, bên tài trợ vốn chỉ định tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, thực hiện theo hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng). Chính phủ giao Bộ GTVT là chủ đầu tư.

Đoàn tàu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa và hệ thống điều khiển tự động. Đây là công nghệ đang được nhiều nước áp dụng.

Đường ray dự án Cát Linh - Hà Đông có khổ rộng 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.

Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Vỏ tàu bằng thép không gỉ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Hiện Công ty Metro Hà Nội đã thuê tư vấn nước ngoài để hỗ trợ vận hành và hoàn thiện hệ thống trong 1 năm.

Tới tháng 10/2011 dự án mới được khởi công, thời hạn hoàn thành lùi tới năm 2015. Cùng với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bộ GTVT và TP Hà Nội kỳ vọng 2 dự án giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô.

Tuy nhiên, phải đến tháng 5/2015, Hà Nội mới bàn giao toàn bộ mặt bằng cho tổng thầu. Việc chậm giải phóng mặt bằng, cộng với việc thay đổi thiết kế, trượt giá làm tăng kinh phí đền bù giải tỏa, tăng chi phí nguyên vật liệu. Quá trình thi công, nhà thầu để xảy ra một số sự cố.

Tháng 7/2015, tổng thầu Trung Quốc báo cáo các nhà ga trên tuyến mới đạt 30% khối lượng, xin lùi mốc hoàn thành. Thời điểm đó, Bộ GTVT yêu cầu thay tổng thầu, đưa dự án cán đích đúng mốc 30/6/2016.

Đến giữa năm 2016, dự án vẫn chưa hoàn thành xây dựng cơ bản.

Bộ GTVT tiếp tục ra văn bản yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu hoàn thành xây lắp để cuối quý II/2017 vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.

Sau nhiều lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đóng điện và chạy thử liên động vào tháng 9/2018, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng, bước vào giai đoạn đánh giá an toàn và nghiệm thu, bàn giao. Thời gian thực hiện các thủ tục này kéo dài tới gần 3 năm.

Cho tới, đầu năm 2020, các bên đã nghiệm thu 11 công trình thành phần, ghi nhận còn có một số tồn tại, tuy nhiên không ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ, khả năng chịu lực của công trình.

Cuối tháng 4 /2021, Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống kèm 16 nội dung khuyến cáo về an toàn cho dự án. Đây là chứng chỉ quan trọng, cơ sở cho các cơ quan nghiệm thu dự án.

Tháng 10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp nhận kết quả nghiệm thu của Bộ GTVT, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Phía Bộ GTVT cũng thừa nhận, đã có nhiều bài học được rút ra từ dự án đường sắt đô thị đầu tiên này.

Đường sắt trên cao sẽ là một giải pháp giúp giảm tải ách tắc giao thông nội đô. Ảnh: Quang Vinh.
Tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách từ sáng 6/11. Ảnh: Quang Vinh.
Người dân lấy thẻ lên tàu. Ảnh: Quang Vinh.
Mỗi người khi đi qua cửa kiểm soát phải có thẻ lên tàu. Ảnh: Quang Vinh.
Người nước ngoài trải nghiệm trên chuyến tàu đầu tiên. Ảnh: Quang Vinh.
Du khách háo hức với loại hình giao thông công cộng mới của thủ đô. Ảnh: Quang Vinh.
Chuyến tàu đầu tiên được ghi nhận đông hành khách vì đa phần người dân rất mong muốn được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Hình thành thói quen đi tàu cho người dân

Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng cho biết: Có nhiều yếu tố, đầu tiên chúng ta phải chấp nhận hiện trạng là tổ chức dân cư của chúng ta rất rời rạc không mang tính tập trung cao. Ở đâu cũng thấy người ở cả, nên quỹ đất dành cho xây dựng không cao, quy hoạch dành cho hạ tầng luôn đi sau so với không gian dân cư.

Kể cả nếp giao thông cũng đang còn nhiều hạn chế. Do đó, để người dân có thói quen rõ ràng là có 2 phía, một các cơ quan chức năng phải đảm bảo tính kết nối. Ít nhất là lộ trình đi bộ từ nhà ga đến điểm xe buýt gần nhất là phải đảm bảo an toàn, thuận lợi nhất.

Thứ 2 là mong chờ người dân sẽ tự thay đổi trong nhận thức, khi mà càng ngày tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng.

Chúng ta không nên so sánh đường sắt đô thị với xe buýt, vì xe buýt đi trên dòng giao thông hỗn hợp trên đường. Thực ra đây là một tuyến đường sắt hoàn toàn độc lập, không có xung đột giao thông. Rõ ràng tốc độ di chuyển của đường sắt đô thị là rất tốt.

Theo tính toán, đường sắt đô thị có thể đáp ứng 90% khối lượng giao thông công cộng của phía Tây Hà Nội (từ Hà Đông vào nội thành Hà Nội). Chúng tôi mong muốn người dân sẽ thích nghi dần, thay đổi dần thói quen để sử dụng loại hình giao thông công cộng này. Chắc chắn nó sẽ hiệu quả trong đời sống của người dân, đồng thời chúng ta cũng cần tiếp cận với nếp sống văn minh, hiện đại… đó là những ưu điểm mà đường sắt đô thị mang lại.

M.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn lịch sử đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO