Dấu ấn Ngô Mạnh Lân

Thư hoàng 06/10/2021 09:00

Ở tuổi 87, họa sĩ - đạo diễn - NSND Ngô Mạnh Lân chia tay người thân, bạn bè vào một ngày Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người muốn đến chia tay ông lần cuối, song đã chỉ có thể bái biệt, tưởng nhớ ông từ xa...

Họa sĩ - đạo diễn - NSND Ngô Mạnh Lân.

Vẫn biết tử sinh là lẽ thường ở đời, nhưng cái tin NSND Ngô Mạnh Lân qua đời hôm 15/9 vừa qua vẫn khiến nhiều người thương nhớ. Nhớ tới ông, là nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một người để lại dấu ấn nghệ thuật qua nhiều thời đoạn khác nhau, từ khi học mỹ thuật trên Chiến khu Việt Bắc, rồi đến chiến trường Điện Biên Phủ, những năm tháng đi học ở nước Nga, đặc biệt là thời gian gắn bó với phim hoạt hình và hội họa.

NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 9/11/1934 tại làng Tó, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sinh thời, ông từng nhiều lần kể rằng, từ bé đã yêu thích vẽ. Nhiều buổi trưa, cậu bé Lân nằm trên chõng tre ngắm những đám mây bay lững lờ trên trời, tưởng tượng ra hình thù các con vật, chúng chuyển động thay đổi hình dáng, tạo cho mình niềm hứng thú say mê... Rồi tình yêu hội họa hồn nhiên ấy đã dẫn lối cho chàng thanh niên Ngô Mạnh Lân tới lớp hội họa 2 tháng ở Liên khu X do họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách.

Năm 16 tuổi, Ngô Mạnh Lân đi bộ suốt hai ngày, vượt đèo, vượt suốt đi từ Ty Thông tin Phú Thọ đến Đại Từ (Thái Nguyên) dự thi Khóa Kháng chiến (1950) của Trường Cao đăng Mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Được nhận vào học, Ngô Mạnh Lân là học viên ít tuổi nhất. Họa sĩ Tô Ngọc Vân là người có phong cách sư phạm, hướng dẫn, chỉ đạo rất tận tình, tận tâm. Khóa học này có nhiều học viên tài năng, sau này đã ghi danh vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đó là các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Mai Long, Vi Ngọc Linh, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Lê Lam…

Tốt nghiệp Khóa Kháng chiến, Ngô Mạnh Lân và các bạn học theo chân họa sĩ Tô Ngọc Vân lên đường kháng chiến, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều bức ký họa dọc đường kháng chiến in dấu lịch sử dân tộc. Hòa bình lập lại, năm 1955, ông được cử đi học tại Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Xô viết (VGIK). Năm 1962, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, ông trở về nước và làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Khi ấy, phim hoạt hình Việt Nam mới chỉ ở tuổi lên 2, đang chuẩn bị ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên “Đáng đời thằng cáo” (1960) bằng thể loại phim vẽ, rồi sau đó là bộ phim cắt giấy “Con một nhà” (1961) của đạo diễn Trương Qua và phim búp bê “Chú thỏ đi học” (1962) của đạo diễn Nguyễn Tích.

Rất nhanh sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông mang tên “Một ước mơ”. Đó là năm 1963. Nhiều người cho rằng, ngay ở bộ phim đầu tay của mình, Ngô Mạnh Lân đã bộc lộ tài năng của một đạo diễn có tay nghề, được đào tạo bài bản với những khuôn hình giàu sức biểu cảm và sống động.

Tuy nhiên, phải bộ phim hoạt hình “Mèo con” (dựa theo truyện ngắn “Cái Tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi), dấu ấn tài năng của Ngô Mạnh Lân mới bộc lộ rõ hơn, thậm chí định hình phong cách làm phim hoạt hình ấm áp, dung dị và hấp dẫn của Ngô Mạnh Lân. Mặc dù, thời điểm làm bộ phim này rất khó khăn, Xưởng phim Hoạt họa và búp bê phải sơ tán về Mê Linh (Vĩnh Phúc). Trong suốt 5 tháng vừa vẽ vừa quay từng cảnh bằng chiếc máy quay 16 li rồi in tráng thủ công, nhưng chính vì được đi sơ tán, gần gũi với thiên nhiên đã giúp ông có cảm hứng để đưa được cái trong trẻo hồn nhiên vào từng khuôn hình…

Tiếp đó, các phim hoạt hình “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Chuyện ông Gióng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Trê Cóc”, “Thạch Sanh”, “Rừng hoa”, “Bộ đồ nghề nổi giận”, “Bước ngoặt”, “Phép lạ hồi sinh”... đã làm nên một tên tuổi Ngô Mạnh Lân đến nay vẫn được nhiều người nhắc tới.

Áp phích phim hoạt họa màu “Con sáo biết nói”.

Những bộ phim hoạt hình ấy đã góp phần làm sống động trang sử về phim hoạt hình Việt Nam, mở ra những cánh cửa để nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam bước vào những câu chuyện vừa có những giá trị nhân văn sâu sắc vừa tươi vui, sinh động, hóm hỉnh…

Cũng từ những bộ phim hoạt hình này, họa sĩ - đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã đoạt 3 giải Bông sen Vàng, 4 giải Bông sen Bạc, nhiều Bằng khen của Ban giám khảo tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Đặc biệt, bộ phim “Mèo con” của ông đã giành Giải thưởng Bồ nông Bạc tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Romania) năm 1966 và phim “Chuyện ông Gióng”, giành Giải thưởng Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1971.

Trong sự nghiệp làm phim của mình, NSND Ngô Mạnh Lân có gần 20 phim với đủ thể loại từ hoạt họa, cắt giấy đến búp bê. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Ông từng giữ cương vị Giám đốc Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và giảng dạy về hoạt hình. Ngoài làm phim, ông còn và viết sách, viết báo về những vấn đề liên quan tới nghệ thuật phim hoạt hình. Với NSND Ngô Mạnh Lân, phim hoạt hình như một tình yêu cứ ngấm dần, rồi khiến ông mê, ông say lúc nào không hay.

Ở góc độ họa sĩ, Ngô Mạnh Lân cũng để lại dấu ấn cá nhân của mình với một khối lượng ký họa đồ sộ và quý giá về chiến tranh, cách mạng, từ chiến dịch Điện Biên Phủ tới đời sống nông dân Bắc bộ trong thời kháng chiến chống Mỹ và sau này là đời sống thời bao cấp. Bên cạnh đó, ông còn vẽ tranh sơn dầu, tranh cổ động, tem, bìa sách, truyện tranh…

Bây giờ, lật mở những bức tranh cổ động nổi tiếng của Việt Nam những năm 50, 60 của thế kỷ trước vẫn có thể tìm thấy bức tranh “Sản xuất và tiết kiệm” do họa sĩ Ngô Mạnh Lân sáng tác năm 1952. Cũng năm này, ông còn sáng tác bức “Đi dân công”, “Đóng thuế nông” (khắc gỗ). Sau này, bức tranh cổ động “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” của ông cũng được nhiều người yêu thích…

Nhưng nhắc đến NSND Ngô Mạnh Lân, tôi vẫn muốn dừng lại đôi chút để nói tới mảng minh họa truyện tranh cho thiếu nhi. Ở mảng này, dấu ấn tài hoa của Ngô Mạnh Lân khá sâu, và sắc nét. Những tác phẩm văn học nổi tiếng như “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Nhà Chử”, Đảo hoang” (Tô Hoài), “Cái Tết của mèo con” (Nguyễn Đình Thi)… đã được họa sĩ Ngô Mạnh Lân thổi hồn qua những bức tranh sống động. Sinh thời nhà văn Võ Quảng nhận xét: Nét chủ yêu của Ngô Mạnh Lân là sự hài hòa, mực thước, nhiều chi tiết thú vị, loáng thoáng những reo vui”. Còn nhà văn Tô Hoài đã nhận xét về phần tranh họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ cho tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của mình: “Tranh Ngô Mạnh Lân vẽ sống động và thật…”

Với tài năng và sự đóng góp của mình, NSND Ngô Mạnh Lân đã nhận nhiều giải thưởng về mỹ thuật, như 1 giải A triển lãm đồ họa - Hội nghệ sĩ tạo hình, 1 giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi, 2 giải Nhất và 2 giải Nhì về triển lãm áp phích…

NSND Ngô Mạnh Lân trở thành Tiến sĩ nghệ thuật học năm 1984. Ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991, được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”, “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Trê Cóc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Ngô Mạnh Lân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO