Dấu ấn Olympic

Nguyễn Quân 23/08/2016 08:06

Olympic Rio 2016 đã chính thức khép lại sau những màn trình diễn tưng bừng sáng 22/8. Một kỳ đại hội thành công và thành công rực rỡ với Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mà ở đó điều cao quý nhất chính là việc TTVN đã ghi được dấu ấn lịch sử và khiến sân chơi này trở nên gần gũi hơn với người hâm mộ Việt Nam. Nó đã mở ra hướng đi, ý nghĩa đặc biệt đối với chiến lược phát triển của TTVN.

Dấu ấn Olympic

Nữ kình ngư Ánh Viên.

Với 1 HCV và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, TTVN đã giành được thắng lợi to lớn nhất, vinh quang nhất trong một kỳ tham dự Olympic Games tại Rio 2016 khi có được vị trí thứ 48 trên bảng tổng sắp huy chương. Những thành tích của Hoàng Xuân Vinh thật đáng ca ngợi nhưng nó càng phi thường hơn bởi khi anh xác lập kỷ lục mới của Olympic ở nội dung 10m súng ngắn hơi để thách thức tất cả những ai đã, đang và sẽ tham gia đua tranh ở nội dung này.

Dấu ấn của Hoàng Xuân Vinh là ấn tượng sâu đậm và đỉnh cao nhưng nó cũng chỉ là một phần của nền tảng ấn tượng khác. Đó là thành công chung của Đoàn TTVN khi đây cũng là giải đấu đầu tiên TTVN có tới 23 VĐV đạt tiêu chuẩn để chính thức tham dự Thế Vận hội. Những dấu ấn này chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ để thay đổi tư duy và nhận thức của các nhà lãnh đạo và quản lý thể thao, các VĐV, HLV và cả những người hâm mộ rằng: TTVN hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao của đấu trường Olympic.

Thắng lợi của Đoàn TTVN tại đấu trường Olympic lần này là câu trả lời xác đáng nhất, cũng như ghi nhận thành công của chiến lược đầu tư có trọng điểm của TTVN thời gian qua. Thành công của đầu tư trọng điểm vốn được ghi nhận sau thắng lợi của các môn thể thao trong chương trình Olympic tại SEA Games 2015. Nhưng với thành tích xuất sắc mang “tính toàn cầu” của TTVN tại Olympic Rio 2016 sẽ là “cột mốc đáng nhớ” trong quá trình phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam trên đấu trường Olympic.

Thành công, dấu ấn của TTVN với bạn bè các châu lục lúc này là điều không thể phủ nhận. Nhưng, trong những dấu ấn đó, những thành tích lịch sử đó thì TTVN vẫn có những khoảng lặng. Tiếc thay, khoảng lặng lớn nhất không phải đến từ những thất bại của TDDC, Vật, Bơi lội là các bộ môn vốn được kỳ vọng sẽ lọt vào vòng chung kết, tranh chấp huy chương nhưng đã không thành hiện thực.

Người hâm mộ thể thao Việt Nam có thể đôi chút thất vọng vì thất bại của Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ) khi không thể vào tranh chấp lấy huy chương. Họ đôi chút thất vọng vì Ánh Viên (bơi), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), không đạt chỉ tiêu lọt vào chung kết. Một số môn và nội dung thi đấu các VĐV đã không vượt qua được chính mình.

Nhưng điều khiến dư luận cảm thấy bức xúc nhất trong thời gian Đoàn TTVN dự Olympic lại đến từ việc các VĐV thiếu thày, thiếu chuyên gia, thiếu bác sĩ… trong khi lại có nhiều cán bộ quản lý tham dự. Người hâm mộ ghi nhận cố gắng hết mình của các VĐV nhưng không khỏi nảy sinh tranh cãi khi biết rằng nhiều bộ môn dự Olympic mà chẳng có HLV đúng nghĩa.

Nhìn hình ảnh tay vợt Tiến Minh và Thu Trang vừa là bạn lại vừa đóng vai là thày của nhau trong những trận đấu ở Olympic không khỏi khiến nhiều người ngao ngán. Tất cả đều thấy tầm quan trọng của HLV với VĐV khi họ thi đấu.

Nhìn Tiến Minh vất vả thế nào ở những bước khởi đầu trong cả 2 chiến thắng ở vòng bảng khi luôn bị đối thủ dẫn trước và chỉ đến khi có lời góp ý, phân tích từ bạn gái, đồng nghiệp Thu Trang mới giúp anh tìm ra cách khắc chế đối thủ thì sự tiếc nuối càng lớn bởi nếu có người thày đúng nghĩa thì họ sẽ không phải vất vả đến thế…

Hay như Judo Việt Nam lần này chỉ có duy nhất 1 VĐV tham dự là Văn Ngọc Tú. Cô đến Rio de Janeiro một thân một mình, không đồng đội, cũng chẳng có HLV mà chỉ có 1 quan chức quản lý.

Ai cũng thừa biết, ở một giải đấu đỉnh cao và khốc liệt như Olympic, thì điều mà VĐV cần nhất đó chính là việc sẽ có được HLV vốn theo sát quá trình nhiều năm tập luyện của mình có thể chỉ bảo thêm về chuyên môn cũng như quá hiểu mình để chăm sóc, lo toan những công việc bên ngoài chuyên môn.

Họ cần những người thầy “ruột”, những người hiểu mình, làm công tác tốt về tư tưởng cũng như hỗ trợ về chuyên môn, tìm hiểu thông tin về các đối thủ… Chứ chẳng cần thêm những áp lực thành tích đến từ những người đứng đầu bộ môn, Liên đoàn hay ông Giám đốc Trung tâm… những người chỉ có thể giúp mình trong việc làm thủ tục hành chính, lo chuyện giấy tờ, thủ tục…

Ngay sau cú hích mang tên Hoàng Xuân Vinh, ngay từ bây giờ, ngành thể thao sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính lâu dài. Thay đổi cách tiếp cận mục tiêu ở sân chơi lớn nhất này, phấn đấu để có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương, kể cả Vàng ở một số môn có khả năng. Qua đó, Việt Nam sẽ có một thứ hạng, vị thế ổn định, và từng bước nâng cao ở đấu trường quốc tế danh giá này, chứ không phải bước vào Top 50 theo kiểu “đột xuất” như lần này.

Những tín hiệu đầy tươi sáng cũng đã sớm lộ ra khi tân Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã tuyên bố: “Bộ sẽ tăng cường đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu; nâng cao chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho VĐV… xây dựng môi trường văn hóa thể thao lành mạnh và tính chuyên nghiệp trong thể thao”.

Họ hy vọng lãnh đạo ngành thể thao sẽ cho thấy sự chuyên nghiệp hơn, đầu tư dài hơi, bài bản hơn… và nhất là sẽ khắc phục được những nhược điểm đã bộc lộ như VĐV đỉnh cao nhưng vẫn phải tập chay, không có thày trực tiếp đi cùng mà phải nhường chỗ cho những thành phần quan chức… Họ càng không muốn thấy các VĐV thiếu điều kiện tập luyện, thiếu dinh dưỡng. Lúc này, họ cần nhất là các nhà quản lý thể thao phải nhìn rõ, đánh giá đúng và tính toán lại những điều bất hợp lý để TTVN đi đúng lộ trình phát triển một cách căn cơ và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Olympic

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO