Dấu ấn Quốc hội

Hoàng Mai 22/03/2016 06:15

Hôm qua (21/3), trong không khí phấn khởi của một kỳ Đại hội Đảng XII thành công, các ĐBQH bước vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2015)- một kỳ họp với khối lượng công việc không hề nhỏ. Tại kỳ họp này, các ĐBQH sẽ tập trung xem xét các báo cáo nhiệm kỳ không chỉ của QH với những công việc cụ thể của chính mình mà còn tham gia đánh giá báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội.

Năm năm, với 11 kỳ họp, mỗi kỳ họp kéo dài trên một tháng và một khối lượng công việc đồ sộ. Còn nhớ, vào ngày 28/1/-2013, QH đã thông qua Hiến pháp 2013, có hiệu lực từ 1/1/2014. Như vậy là sau 21 năm, chúng ta đã có một bản Hiến pháp mới- bản Hiến pháp phù hợp với thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Một bản Hiến pháp 2013 bao gồm 11 chương và 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992). Hiến pháp 2013 chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều.

Nói như thế để thấy, lần sửa đổi Hiến pháp này là khá căn bản và toàn diện, trên nhiều vấn đề; vừa thể hiện sự cô động, khái quát, xúc tích nhưng đồng thời cũng khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước Việt Nam do dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; đồng thời khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Và, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

Chính quan điểm Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân đã góp phần tạo điều kiện để Nhân dân tăng cường giám sát Đảng và đảng viên thông qua nhiều kênh khác nhau; trong đó có kênh của MTTQ Việt Nam (tổng hợp báo cáo kiến nghị của cử tri); kênh QH (qua các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH và qua các giám sát chuyên đề của QH cũng như các Ủy ban của QH).

Tại QH khóa XIII lần đầu tiên QH đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ. Thực tiễn cho thấy sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhiều chức danh đã nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách được nhân dân và cử tri đánh giá cao…

Cũng giống như nhiều khóa trước, việc tăng thời lượng các phiên truyền hình trực tiếp; từ phiên chất vấn đến các phiên thảo luận kinh tế- xã hội cũng là cách để cử tri và nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận công việc của QH và tăng cường giám sát công việc của các ĐBQH cũng như các thành viên Chính phủ. Một đổi mới khác của QH khóa XIII là đã có Nghị quyết về các vấn đề chất vấn - điều đó đồng nghĩa với việc, ĐBQH sẽ giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau.

Nó cũng có nghĩa, sẽ khó có tình trạng hứa mà không làm hoặc hứa để đấy; ĐBQH sẽ truy đến cùng công việc của Chính phủ. Sự giám sát lời hứa vì thế sẽ có tác động lớn tới việc thực thi trách nhiệm của các thành viên Chính phủ góp phần thúc đẩy việc cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác điều hành; khắc phục các tồn tại hạn chế, trong đó đặc biệt là khắc phục tình trạng ì trệ, nói không đi đôi với làm…

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì đây là kỳ họp quan trọng về nhiều mặt mà trước hết là tổng kết một nhiệm kỳ QH trong 5 năm, nhằm rút ra những kết quả thành công cũng như đánh giá các mặt cần chấn chỉnh trong công tác lập pháp. Cũng cần nói thêm, trong cả nhiệm kỳ khóa XIII, QH đã thông qua và cho ý kiến vào khoảng 100 dự án luật. Nói thế để thấy khối lượng các dự án luật thật sự không nhỏ; nhất là sau khi QH thông qua Hiến pháp 2013.

Làm được việc này, nhiều ĐBQH, trong đó có ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ: “Tôi thấy rất hạnh phúc vì những kinh nghiệm của mình đã được cống hiến cho QH và lắng nghe được ý kiến cử tri để tham gia phát biểu giúp giải quyết về vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là những vấn đề về kinh tế như đầu tư công, tài chính công, ổn định kinh tế vĩ mô, và những vấn đề về an sinh xã hội. Tôi rất vui và hạnh phúc, mong được tiếp tục phản ánh thực trạng về kinh tế xã hội, đời sống của người dân lao động tới QH”.

Tâm trạng phấn khởi, hạnh phúc có lẽ là tâm trạng chung của nhiều ĐBQH bởi đã đóng góp được công sức cho quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, cũng còn những dấu lặng buồn như trường hợp hai nữ ĐBQH bị miễn nhiệm- một dấu lặng mà bất cứ ĐBQH đương nhiệm hoặc không còn đương nhiệm vẫn cảm thấy buồn khi nhắc tới.

Vẫn còn nhiều dự án luật được chuẩn bị chưa kỹ, chất lượng chưa cao, mới ban hành đã nảy sinh bất cập, chậm hoặc không đi vào cuộc sống. Nhiều dự án luật còn chậm được ban hành, chưa đáp ứng được đòi hỏi bức xúc từ cuộc sống; nhiều chương trình giám sát hiệu quả chưa cao… Những tồn tại hạn chế ấy, cần được đánh giá nghiêm túc và sâu sắc, rút ra các bài học kinh nghiệm để QH khóa mới hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Dù kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII mới bắt đầu, nhưng nhìn một cách tổng thể có thể đánh giá, QH khóa XIII đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ với nhiều đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Quốc hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO