Dấu ấn về phong cách lãnh đạo: Gương mẫu, quyết liệt hành động

31/03/2021 11:27

Ông Vương Đình Huệ đã tiếp nối các vị tiền nhiệm, nhanh chóng khẳng định dấu ấn riêng đậm nét về tư duy, tầm nhìn và một phong cách lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt hành động.

Ông Vương Đình Huệ

Tháng Giêng, xuân Canh Tý 2020, từ vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công, điều động giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội thay đồng chí Hoàng Trung Hải. Dù lần đầu tiên giữ cương vị cao nhất của một địa phương, lại là Thủ đô của cả nước, nhưng thời gian qua, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã tiếp nối các vị tiền nhiệm, nhanh chóng khẳng định dấu ấn riêng đậm nét về tư duy, tầm nhìn và một phong cách lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt hành động.

Cùng với cả nước, Hà Nội vừa trải qua hơn một năm vô cùng khó khăn, với những thử thách đặc biệt. Thế nhưng, Thủ đô đã thể hiện rõ bản lĩnh đầu tàu mà trong đó, có dấu ấn nổi bật của người đứng đầu Đảng bộ thành phố, giúp Hà Nội củng cố những thành quả đã đạt được, thực hiện thành công "nhiệm vụ kép" vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Xung kích chống dịch, hoàn thành lời hứa

Ngược thời gian, trở lại ngày 6/3/2020, vào lúc 18h, thành phố được thông báo về ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ngay trong đêm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ triệu tập và chủ trì một cuộc họp khẩn để bàn các biện pháp chống dịch và truy vết. “Hà Nội phải an toàn, để cả nước được an toàn”, là yêu cầu mà Bí thư Thành ủy đặt ra cho toàn bộ cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố trước đợt dịch đầu tiên mà Hà Nội phải đối mặt.

Sự quyết liệt hành động của Hà Nội ngay ở phút đầu đã định hình một cách tiếp cận vô cùng hiệu quả trước mỗi đợt dịch tác động tới thành phố, kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, tạo ra tuyến phòng thủ vững chắc ở từng thôn, tổ dân phố bên cạnh tuyến đầu chống dịch là các y bác sĩ, lực lượng vũ trang của thành phố.

Hơn một năm, qua 3 đợt dịch có nguy cơ bùng phát ở Thủ đô, người ta thấy rõ vai trò “nhạc trưởng” của cấp ủy Đảng mà đứng đầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, một cán bộ lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm, từng trải qua nhiều trọng trách, từ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đến Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tháng 2/2020.

Là nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, và cũng là một chuyên gia kinh tế sắc sảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã sớm quán triệt tinh thần chống dịch thành công là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhưng không vì quá tập trung chống dịch mà “bỏ quên” mặt trận kinh tế. Trước những diễn biến về đầu tư công và đầu tư của tư nhân tưởng chừng sẽ “đóng băng” vì Covid-19, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã xác định và quyết tâm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “góp gió thành bão”, thúc đẩy từng công trình nhỏ, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ hội phát triển dù là nhỏ nhất để tăng trưởng.

Khi thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh bùng phát thành điểm nóng dịch Covid-19, nhiều địa phương ngăn cấm cả các hoạt động xây dựng. Vừa biết tin, Bí thư Thành ủy lập tức chỉ đạo gỡ bỏ ngay yêu cầu này trên tinh thần “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Nhờ đó, đầu tư xây dựng trên địa bàn được duy trì, Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công trên 90% so với kế hoạch; lĩnh vực xây dựng cũng tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô cũng không phải là ngoại lệ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi vừa mới đi qua thì đại dịch Covid-19 lại ập đến, tác động tiêu cực đến ngành trong những ngày đầu năm. Lo lắng trước mức tăng trưởng âm 1,18% trong quý I-2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ triệu tập cuộc họp với ngành Nông nghiệp Thủ đô ngay cuối tháng 3-2020, rà soát và thúc đẩy cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi trên cơ sở tính toán đầu ra nông sản, đặt ra mệnh lệnh cho ngành Nông nghiệp Thủ đô “lội ngược dòng” để đạt mức tăng trưởng 4,04% trong năm 2020. Trước tính toán và đòi hỏi của người đứng đầu Đảng bộ thành phố, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng đạt mức tăng 4,2%, là mức cao nhất trong 9 năm gần đây.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đứng máy cấy, động viên nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất sản xuất đầu năm 2021.

“Thường trực cứ họp thêm 1 giờ là thành phố lại có thêm 1 tỷ USD” - Bí thư Thành ủy có lúc đã vui vẻ kể lại như thế về thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị “Hà Nội năm 2020: Hợp tác, đầu tư và phát triển”.

Định kỳ hàng năm Hà Nội đều mở hội nghị hợp tác đầu tư, nhưng khi dịch bùng phát, nhiều người đoán già đoán non, rằng “chắc năm nay thôi”. Với vai trò người cầm lái, Bí thư Thành ủy không nghĩ như vậy. Ngay từ cuối tháng 2, đồng chí chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố chuẩn bị cho hội nghị của năm 2020.

Mặt khác, Bí thư Thành ủy tiếp tục yêu cầu các cấp, ngành chống dịch nhưng không thể ngăn sông cấm chợ cực đoan, các thành phần kinh tế phải thích nghi với điều kiện mới; các cơ quan tranh thủ thời gian giãn cách xã hội phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính, tạo điều kiện hết sức cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ít ai biết rằng, ở trụ sở Thành ủy số 9 Ngô Quyền, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, các cuộc họp của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luôn nóng với những lo toan về kịch bản tăng trưởng, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế của nhân dân trước diễn biến tình hình dịch bệnh. Nhiều cuộc họp kéo dài đến 23h để rốt ráo phê duyệt các đề xuất của HĐND, UBND thành phố.

“Thường trực cứ họp thêm 1 giờ là thành phố lại có thêm 1 tỷ USD” - Bí thư Thành ủy có lúc đã vui vẻ kể lại như thế về thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị “Hà Nội năm 2020: Hợp tác, đầu tư và phát triển”, đã trở thành hội nghị thu hút đầu tư thành công nhất từ trước tới nay của thành phố, trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng; tăng gấp 5 lần về số dự án và gấp 11 lần về vốn so với hội nghị đầu tiên được tổ chức năm 2016. Hội nghị như một cú hích đối với kinh tế Thủ đô.

“Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch Covid-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là kỳ tích” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.

Kết thúc năm 2020, mặc dù là một trong những địa phương có nguy cơ và chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ Covid-19 nhưng tăng trưởng GRDP của thành phố đạt gần 4%, gấp 1,4 lần tăng trưởng chung cả nước, đúng như lời Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã hứa với Trung ương, rằng Hà Nội sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn ít nhất là 1,3 lần so với tăng trưởng bình quân cả nước.

“Dân là gốc” và “lựa chọn việc khó mà làm để an dân”

“Trước đây chúng ta hay nói “lấy dân làm gốc”, nhưng từ Đại hội lần thứ XII của Đảng, Trung ương đã quán triệt quan điểm “Dân là gốc”. Đây là sự chuyển biến rất lớn về tư duy lý luận của Đảng. Nói “Dân là gốc” nghĩa là lúc nào dân cũng là gốc, ở đâu cũng thế và lúc nào cũng thế” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lý giải rất ngắn gọn nhưng rất rõ ràng.

Tinh thần “Dân là gốc” cũng thấm đẫm trong những chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội trong suốt những ngày khó khăn thử thách. Ngay khi về nhận công tác tại Hà Nội, cơ quan đầu tiên mà Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tới làm việc là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Đồng chí nói: “Không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội là để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội phát huy tính tích cực chính trị xã hội và tinh thần sáng tạo của nhân dân, doanh nghiệp”.

Chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép”, Bí thư Thành ủy Hà Nội quán triệt quan điểm bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân là số 1, thực hiện giãn cách xã hội đồng thời chính quyền phải chăm lo cho những đối tượng yếu thế, không để ai bị đói, bị rét.

Trong bộn bề công việc đặt ra cho Thủ đô - từng được ví von “nhiều như nước sông Hồng”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến trông thấy trên một số vấn đề mà người dân quan tâm nhất; giải tỏa được những vấn đề tồn đọng gây nhức nhối. Vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình) diễn ra từ năm 2012, nhưng phải đến cuối năm 2016, mới thực hiện xong cưỡng chế giai đoạn 1, phá dỡ được tầng 19 và tầng tum thang của công trình. Giai đoạn 2 với yêu cầu phá dỡ tầng 18 do vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng, nhưng qua gần 4 năm (tức là tới thời điểm đầu năm 2020) vẫn giậm chân tại chỗ.

Là một trong 5 vấn đề bức xúc mà Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải xử lý dứt điểm, Bí thư Vương Đình Huệ đã thẳng thắn nêu quan điểm: “Kiên quyết, nhưng cũng phải kiên trì, quyết liệt xử lý dứt điểm được những việc nổi cộm để tạo môi trường thuận lợi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”. Chỉ sau gần 5 tháng, đến ngày 5-10-2020, thành phố hoàn thành tháo dỡ, phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, bảo đảm đúng 3 yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

“Điểm nóng” 8B Lê Trực vừa được lập lại trật tự, thì tái diễn tình trạng người dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), vốn diễn ra nhiều năm nay. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ngay lập tức trực tiếp khảo sát tình hình thực địa. Ông nói: “Phải trực tiếp đến bãi rác, hiểu rõ được sự chịu đựng của người dân để tập trung thực hiện”; yêu cầu rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra thành phố và Công an thành phố; sẵn sàng làm quy trình xử lý cả về mặt hành chính và hình sự nếu người đứng đầu các đơn vị làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải có biểu hiện trục lợi của nhà nước và gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Không ngồi ở văn phòng để chỉ đạo, Bí thư Thành ủy chủ động xuống điểm nóng để kiểm tra việc thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn chia sẻ: “Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, kiểm tra sát sao của các lực lượng nên chất lượng môi trường trong thôn đã chuyển biến rất tốt”. Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bí thư Vương Đình Huệ và Thường trực Thành ủy đã làm việc với Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy hoạch điện, bổ sung Nhà máy điện rác Sóc Sơn vào Sơ đồ điện VIII, và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Nhà máy đi vào hoạt động vào giữa năm nay, giảm thiểu tình trạng chôn lấp ở bãi rác này.

Tháng 12/2020, trên cơ sở đề xuất tài trợ miễn phí, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE đã được thành phố đồng ý cho xử lý mùi bằng công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản tại ô chứa nước rỉ rác H4 tại Khu liên hợp. Sau một tháng triển khai thí điểm, tình trạng ô nhiễm do mùi hôi thối đã giảm gần 100%, đạt cả quy chuẩn Việt Nam và Nhật Bản. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết: “Tâm huyết của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với vấn đề nhức nhối xử lý ô nhiễm rác tại Sóc Sơn đã lôi cuốn chúng tôi muốn chung tay hành động”.

Từ quan điểm chỉ đạo quyết liệt, gương mẫu hành động của Bí thư Thành ủy, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ, khánh thành hàng loạt công trình hạ tầng quan trọng; góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, giảm ùn tắc giao thông như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt (giải tỏa tình trạng ùn tắc hơn 20 năm của nút giao thông này), cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn ngã tư Vọng - Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long và nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Những vướng mắc tưởng chừng không biết bao giờ có thể giải quyết của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đến nay đã có chuyển biến trông thấy: Nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Hà Nội đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện sẵn sàng tiếp nhận bàn giao từ chủ đầu tư.

Muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì thực tế cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết. Nếu cuộc sống không có trong Nghị quyết hay nếu Nghị quyết sai lệch về cuộc sống thì không thể đưa vào cuộc sống được.

Tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược

Dấu ấn sâu sắc của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đối với Hà Nội còn là những đóng góp vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho Thủ đô trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới.

Là đảng bộ lớn nhất cả nước, bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, có biến động về nhân sự cấp cao, nhưng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, gương mẫu, bài bản Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn thành phố, lãnh đạo tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thành công, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhất là về xây dựng văn kiện Đại hội.

Không chỉ chủ trì tổ chức các hội nghị lấy ý kiến như trước đây, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ còn chủ trì làm việc với 8 bộ, ngành để góp ý sâu về những lĩnh vực trọng điểm. Nhờ đó, văn kiện kỳ này đậm chất hành động, đi thẳng vào giải quyết những hạn chế tồn tại, vạch rõ định hướng chiến lược cho từng lĩnh vực. Đồng chí quan niệm: “Muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì thực tế cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết. Nếu cuộc sống không có trong Nghị quyết hay nếu Nghị quyết sai lệch về cuộc sống thì không thể đưa vào cuộc sống được”.

Tâm đắc về văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu rất cụ thể, đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận: “Những mục tiêu có tính toán khoa học này đem đến cho chúng ta lòng tin, nên không chỉ tôi mà dư luận nhân dân rất hoan nghênh”.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý của nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Đảng viên, nhân dân Hà Nội cùng chung một nhận xét, không phải chỉ mới về Hà Nội từ đầu năm 2020 mà ông Vương Đình Huệ đã dành sự quan tâm, tình cảm đối với Hà Nội từ rất lâu, bởi sự hiểu biết, tư duy và tầm nhìn của Bí thư Thành ủy đối với các vấn đề lớn của Thủ đô rất sâu sắc.

Bằng nhãn quan sắc sảo, ông Vương Đình Huệ chỉ ra hàng loạt vấn đề có tính mấu chốt đối với sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Nổi bật là phát hiện về sự mất cân đối trong phát triển giữa các vùng mà khu vực phía Nam thành phố với những huyện như Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa... đang là vùng trũng. Chính vì vậy, điểm nhấn trong văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố là hướng tới mục tiêu phát triển đồng đều. Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải hình thành những trục tăng trưởng cho khu vực phía Nam thay vì chỉ là những tuyến đường giao thông đơn thuần.

Trước tình trạng đô thị hóa nhưng chưa gắn liền với phát triển kinh tế đô thị, đô thị thì khang trang nhưng nội lực kinh tế còn yếu, thu nhập bình quân đầu người như quận Nam Từ Liêm chưa đầy 60 triệu/người/năm, Thành ủy khóa XVII có thêm chương trình công tác hoàn toàn mới: Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Bí thư Thành ủy yêu cầu 5 huyện có kế hoạch lên quận trong 5 năm tới phải khắc phục được tình trạng này; quyết không được nợ tiêu chí.

Hai chương trình công tác hoàn toàn mới khác cũng mang đậm tư duy, tầm nhìn và vai trò chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ. Đó là: Chương trình số 07-CTr/TU “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” nhằm hiện thực hóa lợi thế trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo và tiềm lực khoa học, công nghệ rất lớn với 82% trường đại học, 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước quy tụ ở Hà Nội…; Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định Đảng bộ thành phố luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị thảo luận và cho ý kiến đối với các dự thảo chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Trăn trở với con đường phát triển đi lên của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn thực hiện khát vọng vươn lên thì phải có con người có khát vọng, do đó thành phố và từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là phải có tư duy phát triển, không chịu bằng lòng với kết quả hiện tại, có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngay trong quý II-2021, Thành ủy Hà Nội sẽ bàn để ra nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ để vừa khắc phục những tồn tại, không để xảy ra tình trạng hẫng hụt về đội ngũ và thực hiện yêu cầu trên.

Theo Bí thư Thành ủy, phải làm cho cán bộ, đảng viên và từng người dân Hà Nội nhận thức được giá trị, vị trí vai trò đặc biệt của Hà Nội để từ đó khơi dậy niềm tự hào, tạo thành động lực để thi đua, phấn đấu chung sức chung lòng đưa Thủ đô phát triển. Đồng chí chỉ rõ, Hà Nội sau ngày hợp nhất 1/8/2008, trầm tích văn hóa Tràng An vốn đã dày và giàu có, càng phong phú, đặc sắc hơn khi được hòa quyện với văn hóa “Xứ Đoài”. Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Chúng ta phải tập trung làm cho văn hóa, con người trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô”. Và cũng với tinh thần và ý nghĩa đó, không chờ đợi mà phải hành động ngay, Thành ủy Hà Nội đã đưa vào kế hoạch ngay trong tháng 4/2021 sẽ bàn để ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa.

Với phong cách gần gũi, gắn bó với nhân dân, hướng về cơ sở, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đã làm việc với một cường độ đáng khâm phục.

Dù mới hơn một năm, nhưng đến nay, Bí thư Thành ủy đã xuống thăm và làm việc với toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thành phố. Mỗi cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy đều tập trung bàn về tầm nhìn và những vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển, trước hết là quy hoạch và động lực tăng trưởng kinh tế. Sau mỗi cuộc làm việc, đi kèm với thông báo kết luận luôn có một phụ lục chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở thống nhất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền khác. Từng vấn đề được phân công cụ thể cho cá nhân, tập thể phụ trách, gắn với thời hạn báo cáo, hoàn thành. Đây có thể coi là “cẩm nang” cho các cấp, các ngành thành phố để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý một cách sát hợp với tình hình thực tế và sự trông đợi của cán bộ, nhân dân.

“Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của Hà Nội nếu không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói.

Với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân thành phố, đồng chí Vương Đình Huệ đã cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, tạo bước đột phá về công tác quy hoạch với hai sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã trong tầm tay. Đó là quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử, vừa công bố ngày 22-3-2021 mới đây và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến ban hành trong quý II-2021. Đây là niềm mong chờ của người dân Thủ đô hàng chục năm qua, và quan trọng hơn, sẽ tạo động lực và không gian phát triển mới cho Thủ đô.

Một số hình ảnh hoạt động của ông Vương Đình Huệ:

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương:

Đảng và nhân dân cần những cán bộ lãnh đạo như thế

Hơn một năm về công tác tại Hà Nội theo sự phân công của Đảng, ông Vương Đình Huệ đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Hiệu quả công việc thực tế chứng minh phẩm chất, năng lực và tạo nên uy tín của đồng chí. Đó là một cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, nói là làm, làm là có sản phẩm. Đảng và nhân dân đang cần những người cán bộ lãnh đạo như thế.

Tôi có nhiều dịp được làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về xây dựng dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Tôi cảm nhận rất rõ đồng chí Vương Đình Huệ có thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị, khoa học; có tư duy sắc bén; trình độ tổng hợp, khái quát, phát hiện vấn đề và tầm nhìn chiến lược.

Ngay sau khi về Hà Nội, Bí thư Thành ủy đã gặp gỡ nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố để lắng nghe các ý kiến tư vấn; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với chuyên gia các bộ, ban, ngành trung ương, các nhà khoa học để tiếp thu các ý kiến đóng góp về phương hướng, phát triển Thủ đô, trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy đã cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố rà soát, hoàn thiện các dự thảo văn kiện. Cuối cùng, chính đồng chí đã dành thời gian trực tiếp hoàn thiện các dự thảo.

Với kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý phong phú, tư duy và phương pháp làm việc khoa học, ông Vương Đình Huệ đã góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng văn kiện để trình ra Đại hội Đảng bộ thành phố và nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của Đại hội cũng như của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn về phong cách lãnh đạo: Gương mẫu, quyết liệt hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO