Dầu chưa nên Phật cũng nên người

Trần Thanh Phương 02/05/2016 14:10

Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (đạo Cao Đài phái Tiên Thiên, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN) qua đời tại TP Hồ Chí Minh năm 1988. Nhiều năm qua, mỗi kỳ giỗ ông, nhiều thế hệ người làm công tác Mặt trận về Tam Bình, Vĩnh Long thắp nén nhang tưởng nhớ vị Ngọc Đầu sư, một nhân sĩ yêu nước, một nhà tu hành chân chính.

Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi.

Hạ tuần tháng 2 năm 1969, một Đoàn đại biểu của nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, do bác sĩ Phùng Văn Cung - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam, Chủ tịch Hội Hồng thập tự giải phóng miền Nam làm Trưởng đoàn.

Trong đoàn có ông Nguyễn Văn Ngợi, Ngọc Đầu sư đạo Cao Đài phái Tiên Thiên, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTDTGPMN, Chủ tịch Hội đồng thương binh Quân giải phóng. Năm ấy, tôi là phóng viên báo Nhân Dân, được cử theo đoàn để đưa tin và viết bài. Cụ Nguyễn Văn Ngợi là người cao tuổi nhất trong đoàn, ông sinh năm 1900 tại Cai Lậy, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) coi tôi như con cháu, sau khi biết tôi là người miền Tây, đồng hương với ông. Ông nói: Cháu đừng gọi tôi là Ngọc Đầu sư, mà gọi bằng “Bác Ba” cho thân mật, theo cách xưng hô của người Nam Bộ.

Những ngày ở thăm miền Bắc, ông được gặp Bác Hồ trong niềm xúc động vô bờ bến. Ông thực hiện đúng lời di chúc của người đứng đầu Tiên Thiên đại đạo là ngài Phan Văn Tòng, trước khi tịch diệt từ mấy mươi năm trước, rằng: “Ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ, cứu nước, cứu đạo”.

Hôm được gặp Bác Hồ, ông rất cảm động khi nghe Bác gọi người giúp việc, nói: “Mấy chú có lo sắm sửa để chú Ngợi đi viếng cảnh chùa hay chưa?” Ý Bác Hồ muốn nói đến Thánh thất Cao đài tọa lạc tại 48, phố Hòa Mã, Hà Nội. Nơi đây, Bác Hồ đã từng hướng dẫn đoàn Chính phủ đến làm lễ dâng hương tế chiến sĩ trận vong năm 1946.

Ngày Bác Hồ qua đời, Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi có mặt tại Hà Nội để chịu tang Người. Ngày 6-9-1969, ông cùng Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và ông Y bih Aléo túc trực bên linh cữu Bác. Giờ phút thiêng liêng ấy, ông không bao giờ quên và bức ảnh lịch sử đó, ông đặt trên bàn thờ cao nhất trong gia đình.

Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và
ông Ybih Aléo bên linh cữu Hồ Chủ tịch ngày 6/9/1969.

Thời gian công tác tại Hà Nội, từ năm 1969 ông được hưởng chính sách đặc biệt với người của MTDTGPMN: Được cấp chiếc xe Volga (loại xe hơi sang trọng lúc bấy giờ), mỗi bữa cơm 5 đồng, mỗi tháng tiêu chuẩn 1 ký thịt, nhưng ông vẫn giữ chay lạt từ xưa, thịt cá được cung cấp ông đổi ra đậu phụ và rau củ. Tuy có đầu bếp nấu chay hằng bữa giúp ông, nhưng hầu như ông thường tự nấu lấy. Một tháng vài ba lần, bác sĩ đến chăm sóc, khám sức khỏe cho ông.

Ông được cấp căn nhà số 52, Nguyễn Bỉnh Khiêm, một căn hộ bình thường, nhưng có bề sâu, ông ở trong cùng. Mỗi lần tôi thăm ông rất khó khăn, vì có người bảo vệ bên ngoài. Một hầm trú ẩn khá kiên cố để tránh bom đạn trong những năm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Ông từng dẫn tôi ra xem căn hầm này và nói vui: Không mấy khi bác Ba xuống hầm. Ở miền Nam, quen bom đạn rồi!

Với tư cách là đại biểu của MTDTGPMN, Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi đi thăm và làm việc tại nhiều nước: Liên Xô, CHDC Đức, Bungari, Hungari, Mông Cổ... Mỗi lần đi nước ngoài về, có những món quà bạn tặng theo xã giao, ông đều chia lại cho các cộng sự ở nhà, không mấy khi giữ làm của riêng.

Ông Nguyễn Văn Ngợi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1945, chủ tọa cuộc mít tinh chào mừng cách mạng Tháng 8 thành công tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long), nơi ông đã từng làm giáo viên năm 1923. Những năm tháng dạy học, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh mà sau này không ít người trưởng thành, gánh vác trọng trách của đất nước, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê…

Vốn là một chức sắc đạo Cao Đài được quần chúng tín đồ tín nhiệm, ông được Mặt trận Việt Minh giao trách nhiệm mở đại hội Cao Đài, kêu gọi các chức sắc và tín đồ tham gia kháng chiến, bảo vệ quê hương đất nước. Ông liên tiếp được bầu vào các chức vụ Hội trưởng Cao Đài cứu quốc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận liên Việt tỉnh Vĩnh Long, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Vĩnh Long (1950)…

Năm 1954, ông được cử sang Bến Tre củng cố Hội thánh Cao Đài phái Tiên Thiên. Ngày 24/12/1958, ông được thọ phong Ngọc Đầu sư. Tại đây năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTDTGP Trung Nam Bộ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN…

Có một sự kiện ít người biết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là ông đã vào Đảng Cộng sản từ năm 1949.

Về gia đình, ông bà có 7 người con: 3 trai, 3 gái và 1 con nuôi. Năm 1949, người con gái út là Nguyễn Hồng Ngọc chết vì đạn pháo của giặc Pháp. Năm 1951, con nuôi Nguyễn Hồng Sơn hi sinh trong trận đánh đồn ở Ô Môn (Cần Thơ). Ngày 14/4/1953, con trai Nguyễn Hồng Huệ và con rể Trần Kiên Nhẫn hi sinh trong một trận chống càn. Ngày 30/6/1953, con trai Nguyễn Hồng Ân hi sinh tại Trà Ôn.

Qua hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Văn Ngợi chỉ còn người con trai lớn duy nhất là anh Nguyễn Hồng Quang tập kết ra Bắc, công tác nhiều năm ở Bộ Ngoại giao. Sau giải phóng anh trở về quê hương, là một trong những người gây dựng Công ty du lịch Cửu Long (gồm tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) và người con gái thứ 5 là Nguyễn Hồng Đào.

Ông có bài thơ rất hay nói về tinh thần kháng chiến của bản thân và gia đình:

Ầm ì súng nổ giáp vòng trời
Đồn giặc giăng giăng đóng khắp nơi
Xót cảnh nhơn sanh còn đọa lạc
Nhớ câu hồ thỉ chẳng yên ngồi


Chia tay lũ trẻ vào quân đội
Lướt dặm thân già giúp đạo ngôi
Nợ nước quyết đem tàn lực đáp
Dầu chưa nên Phật cũng nên người

Sau ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Ngợi tham gia Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam dự Hội nghị Hiệp thương chính trị, thống nhất nước nhà. Năm 1976, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 6. Năm 1977, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN.

Mải lo công việc chung, ông chưa có nơi ở cố định, nên phải đi tìm nhà nơi này nơi khác. Con trai Nguyễn Hồng Quang và con gái Nguyễn Hồng Đào trách ông. Ông cười và bảo: “Trước đây ba đi làm cách mạng ba đâu có đăng ký nhà ở nên bây giờ không có nhà. Có sao đâu. Các con đừng lo!”. Nhưng sau đó, những năm cuối đời, ông về ở chung với người con gái tại số 207/41 đường Trần Bình Trọng, TP HCM.

Do tuổi cao và mang nhiều bệnh tật, ngày 14/11/1987, ông viết những lời di chúc với nét chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy khổ nhỏ, gửi Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ủy ban MTTQ TPHCM với nội dung thật chân thành của một người tu hành:

“(…) Tôi đã hoàn thành sứ mạng hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ, do Đảng và Nhà nước giao.

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, bản thân tôi là người có đạo mang phẩm chức sắc Ngọc Đầu sư đi tham gia làm cách mạng và đi hành đạo ở các tỉnh. Sau khi vợ tôi mất, tôi có đến bên mộ vợ tôi và hứa khi hoàn thành sứ mạng sẽ trở về nằm cùng một chỗ.

Vì vậy, tôi có ít lời cuối cùng:
1/ Yêu cầu đừng an táng nơi khác.
2/ Yêu cầu khi tôi hấp hối đem vào thánh thất để làm phép đạo khi nhập quan và theo nghi lễ đạo giáo của tôi. Sau đó quan tài di chuyển về quàn tại MTTQ 176 để các ban ngành làm lễ viếng tang.(176 đường Võ Thị Sáu, quận 3 là cơ quan văn phòng 2 của Ủy ban Trung ương MTTQVN-TTP ).
3/ Đưa về an nghỉ ở quê nhà. Việc hành lễ theo nghi thức phẩm đạo.
Kính chào đạo đức và đại đoàn kết”.

Ngày 14/3/1988, ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những người còn sống làm đúng tâm nguyện của ông. Trong nhiều năm qua, mỗi kỳ giỗ ông, nhiều thế hệ người làm công tác Mặt trận về Tam Bình, Vĩnh Long thắp nén nhang tưởng nhớ vị Ngọc Đầu sư, một nhân sĩ yêu nước, một nhà tu hành chân chính, cả hai nhiệm vụ cao cả ông làm tròn cùng một lúc: Việc đại nghĩa với Tổ quốc và việc đạo thiêng liêng mà ông là người đại diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dầu chưa nên Phật cũng nên người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO