Đau đáu làng Vồm

Nguyễn Chung 07/08/2021 09:00

Làng Vồm cổ có niên đại lên đến hơn nghìn năm tuổi tọa lạc bên hữu ngạn sông Mã, thuộc phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện thần thoại dân gian, đậm màu liêu trai.

Những thế núi, hình sông ở đây vẫn gắn liền với các điển cố, thần tích của buổi sơ khai cha ông cần lao dựng và giữ nước. Tuy nhiên, sau bao nhiêu thăng trầm, dâu bể… những giá trị to lớn thuộc về văn hóa cổ đã và đang lần mòn bị mục rữa, phôi pha theo thời gian.

Những giá trị đã mất

Trong cái nắng quái đầu tháng 8, ông Nguyễn Sắc đã ở vào tuổi thất thập - một người gốc làng Vồm, phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa, chân trần dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Men theo những dãy tường gạch tróc lở, rêu phong dẫn vào các con ngõ nhỏ sâu hun hút, chốc chốc ông lại dừng chân, tần ngần như vừa để cố nhớ lại đâu là nơi ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi đã từng tồn tại, đâu là nơi cái giếng làng luôn trong văn vắt và đầy ắp nước quanh năm, vừa như tiếc nuối một điều gì đó lớn lao đã vào quá vãng…

“Chả còn lại gì gọi là cổ ngoài dấu vết của vài bức tường gạch, trát bằng vữa cát trộn mật mía, vài ngôi ngôi nhà thờ họ có tuổi đời hàng trăm năm, trong tình trạng đổ nát, hoang tàn. Ngôi đình làng to nhất vùng Tư Phố cùng gần 10 giếng làng đã bị người dân phá và san phẳng để lấy đất làm nhà từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mất hết rồi!”- ông Sắc nói.

Trong căn nhà thờ họ Lê hoang tàn, bìm bìm leo kín cả một khoảng cửa ra vào, chiếc sân lát gạch bát kiểu cổ, rêu rác đã phủ kín, ông Sắc bảo: Đây từng là một trong những ngôi nhà thờ họ bề thế, được chạm trổ công phu lớn nhất làng và có tuổi đời lên đến hơn 200 năm nhưng cũng từ lâu, con cháu bỏ đi hết, không còn ai về hương khói…

Sau thoáng tư lự ông bắt đầu kể cho tôi nghe về tích làng mà ông cùng nhiều thế hệ đã được nghe lại từ những lớp người đi trước. Làng Vồm hình thành tự bao giờ chẳng ai rõ và cũng chẳng sử sách nào ghi chép lại. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn còn truyền tụng những câu chuyện mang tính truyền ngôn, đậm màu huyền thoại. Chỉ biết rằng vào khoảng thế kỷ thứ 10, làng bỗng xuất hiện một lực sĩ khổng lồ, sức có thể rời non, lấp bể - dân làng quen gọi là ông Vồm. Ông Vồm là người mở ấp, khai khẩn đất đai, chăn dắt con dân, đồng thời gắn với giai thoại ông từng đấu vật với ông Bưng (tức Lê Phụng Hiểu, ở vào cuối thế kỷ thứ 10 đầu thế kỷ thứ 11 thời Lý).

Tương truyền, ông Vồm có thể gánh được hai quả núi. Một hôm trên đường gánh núi lấn biển, đến gần ngã ba đầu nơi con sông Lường hòa vào sông Mã chẳng may chiếc đòn gánh bị gãy, hai quả núi rơi xuống, một bên là núi Bằng Trình và một bên là núi Đại Khánh. Một ngày nọ ông Bưng tìm đến muốn gặp ông Vồm tỉ thí. Ông Vồm nhận lời nhưng vị chủ quan coi thường đối thủ, nên chỉ trong chớp mắt ông Vồm bị đối thủ nhấc bổng lên quật vào vách núi và ông hóa thân thành đá.

Từ đó sông núi, chùa chiền, tên làng xã đều được mang tên ông. Nơi ông hòa thân dân làng nhớ ơn ông có công mở đất, dựng làng nên lập đền thờ tôn là thành hoàng làng. “Nếu tính từ thời ông Vồm đấu vật với ông Bưng thì mốc là cuối thời Đinh đầu thời Lý. Theo lý này, làng Vồm tuổi cũng đã có ngót nghét ngàn năm!”- ông Sắc khẳng định.

Làng Vồm còn được cho là nơi từng sinh ra 19 quận công. Đồng thời, đây còn là nơi phát tích của vị quận công thứ 19 Lê Hy (nay có đền thờ tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) nhưng vì phút nóng giận đã cho binh lính phá gò Thất tinh, tuyệt long mạch khiến làng rơi vào thời kỳ thoái trào, lụn bại. Những câu chuyện truyền miệng cứ được kể từ đời này sang đời khác như một niềm tự hào của làng về vùng địa linh, một thời phát triển rực rỡ, cực thịnh. Nhưng để lý giải cụ thể ở dòng họ nào, vào thời nào thì không ai có câu trả lời chính xác.

Duy chỉ có họ Trần Xuân có nói đến ông tổ là Trần Xuân Phụ được vua phong quốc lão Quận công nhưng vào năm nào thì cũng không ai rõ. Còn các họ khác như: Nguyễn, Phạm, họ Lê thì chưa có cơ sở chứng minh. Chỉ có gần đây trong lịch sử Đảng bộ Thiệu Khánh có tìm thấy 6-7 ông Hương Cống người Đại Khánh (trước đây còn có tên gọi xã Đại Khánh).

“Dù cho các đạo sắc phong đã thất lạc sau những biến cố nhưng cho đến trước những năm 1960, làng vẫn còn lưu giữ được lề, thói cũ, đình chùa miếu mạo vẫn còn nguyên vẹn... Sau khi cách mạng thành công, những luật lệ quy tắc trong Bản hương ước của làng cũng dần bị xóa bỏ, cùng với đó là nhiều công trình tâm linh đã bị xâm hại, phá bỏ, hoặc bỏ hoang. Hơn nữa, từ năm 1960 phong trào hợp tác hóa cũng đang lên cao, nên đình làng Vồm trở thành nơi sinh hoạt của các tổ đổi công, rồi những năm sau đó biến thành sân kho phơi lúa và chứa thóc của hợp tác xã, sau đó thì được dỡ khung cột kèo làm trường học”- ông Sắc lý giải về những giá trị xưa cũ của làng.

Đôi câu đối trong nhà thờ họ Nguyễn Đăng cũng không có người đọc, dịch được nội dung.

Khó khôi phục

Rời nhà ông Sắc cùng những con ngõ hun hút, tôi thả bộ một mình trên con đường trục chính dẫn xuyên qua làng. Bám hai bên đường là những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng với đủ màu sắc ken sát. Đường bê tông vào từng ngóc ngách của làng… Dù đã cố công tìm kiếm nhưng tôi không thể nào nhận ra được một dấu vết cổ của ngôi làng ngót nghìn năm tuổi.

Ông Nguyễn Đăng Sâm - người đang giữ trọng trách hương hỏa nhà thờ họ cho tổ tiên, đồng thời cũng là Trưởng làng Vồm không giấu được sự thất vọng của mình khi nói đến những giá trị cổ xưa của làng đã biến mất mà không cách nào phục dựng. Ông kể: Làng Vồm xưa vốn được chia thành thôn với khoảng 650 hộ dân sinh sống, mỗi thôn lại cử một phó làng, giúp việc cho trưởng làng. Cứ mỗi dịp lễ, Tết con cháu tứ phương lại kéo về để dâng hương, dự hội hè… nhưng nay, làng chỉ còn duy nhất một lễ hội được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm là hội chùa Vồm. Và chùa Vồm cũng là dấu tích cổ xưa duy nhất của làng còn sót lại đến ngày nay.

“Theo lời các cụ truyền lại thì từ xa xưa, làng Vồm đã làm lễ kết nghĩa anh em với làng Cổ Ninh, xã Thiệu Vân và làng Nam Ngạn, TP Thanh Hóa. Theo quy ước thì trai gái của 3 làng này không được phối hôn với nhau, làng nào có việc lớn thì 2 làng còn lại đều chung vai gánh vác. Tuy nhiên, tục này cũng đã biến mất từ những năm đầu thế kỷ 20. Ngày nay, làng cũng đang kết nối lại lệ xưa với làng Nam Ngạn nhưng để phát huy được đúng giá trị vốn có thì chưa thể!”- ông Sâm cho hay.

Cùng với những giá trị cổ xưa đã phôi pha và biến mất theo thời gian, làng Vồm giờ còn phải đối mặt với sự giao thoa, xâm thực của văn hóa thị dân, quy luật của nền kinh tế thị trường khi đất nước bước vào đổi mới, hội nhập, khiến những truyền thống đạo đức, những quy phạm có tính chất như một hương ước bị đe dọa nghiêm trọng. Là người con của làng Vồm, ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thiệu Khánh cũng không giấu được những trăn trở của mình. Theo ông Ngọc thì không chỉ ông mà nhiều thế hệ con cháu của làng vẫn đang cố công sưu tầm tư liệu, hiện vật cổ của làng để phần nào phục dựng lại những giá trị đã mất của làng Vồm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đáu làng Vồm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO