Đau đầu nguồn phát thải ô nhiễm

Lê Anh 08/05/2017 09:00

Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; công tác phân loại rác thải thực phẩm và rác thải rắn; chuyển đổi thu gom rác dân sinh; tái chế và giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải;… là những vấn đề đang được đặt ra ngày càng bức thiết đối với TP HCM.

Lực lượng chức năng phát hiện 400kg bùn thải tại khu vực đất trống gần chợ Bình Điền TP HCM (Ảnh: Hồng Phúc).

Khó quản lý nguồn thải

Một khảo sát được HĐND TP HCM công bố cho thấy chất lượng nước mặt trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm, trong đó có 5 hệ thống kênh chính trên địa bàn thành phố đều cũng bị ô nhiễm. Điều đáng nói là nguồn cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt cho toàn địa bàn thành phố đang phụ thuộc vào nước mặt lấy từ các sông trên.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, công suất xử lý tại các Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và hồ sinh học Bình Hưng Hòa hiện nay chỉ giải quyết được khoảng 13,2% lượng nước thải đô thị của thành phố.

Đối với nguồn nước thải tại các chung cư cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm đối với Ban quản trị chung cư khi có vi phạm về ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc xử phạt các hành vi đổ, xả rác nơi công cộng còn lúng túng do nội quy chưa rõ, chưa có quy định cụ thể.

Đại diện UBND các quận trên địa bàn TP HCM chia sẻ, thời gian qua phát hiện nhiều các trường hợp “đổ trộm” rác thải, bùn thải xây dựng và công nghiệp, thế nhưng mức xử phạt thì còn quá nhẹ.

Có nơi như UBND Q.2 đã thành lập tổ truy bắt quả tang, thế nhưng trong quá trình xử lý thì lúng túng trong khâu xác định giữa bùn thải công nghiệp và chất thải xây dựng.

Hiện nay, đối với hành vi xả bùn thải không đúng nơi quy định, đã có chế tài tịch thu phương tiện (xe đổ chất thải) nhưng trên thực tế có rất ít các trường hợp được xử lý.

Tương tự, đối với các trường hợp người bán hàng rong xả rác trên vỉa hè, lòng lề đường khi bị phát hiện thì áp dụng mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng. Dù vậy, báo cáo của các quận vẫn “than khó” không thể xử lý, với nhiều nguyên nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Phước- Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) thì khó khăn chính trong việc xử lý hành vi vi phạm môi trường khu vực công cộng do cả cơ sở nhân lực, lẫn vật lực phục vụ cho công tác này đều đang rất thiếu. Hiện, mỗi quận, huyện của TP HCM chỉ có vài cán bộ phụ trách môi trường; hệ thống camera giám sát, ghi hình đối tượng vi phạm môi trường cũng nơi có nơi không.

Tháo gỡ vướng mắc

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP HCM vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn thông thường được thành phố coi là những vấn đề trọng tâm, và xác định cần những giải pháp về lâu dài, có hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Tâm nói có những khó khăn, chẳng hạn về nhận thức của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường vẫn cần phải có chuyển biến tích cực hơn, mà trọng tâm là công tác tuyên truyền phải được đổi mới.

Chủ tịch HĐND TP HCM cũng cho rằng, trách nhiệm của mỗi quận, huyện cũng phải linh hoạt và có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên trong thực hiện bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư cũng như quản lý nguồn thải nguy hại.

Ông Trương Trung Kiên- Trưởng Ban Đô thị của HĐND TP thì đề nghị nên chăng thay vì thí điểm như hiện nay thì nhân rộng mô hình phân loại tại nguồn chất thải, trước mắt là phân loại theo rác thải thực phẩm và rác thải rắn thông thường. Hơn nữa, cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động.

Theo dự kiến đến năm 2019 toàn bộ các đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn TP HCM sẽ chuyển đổi thành HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Năm 2020, TP HCM cũng sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, vốn là “điểm nghẽn” suốt nhiều năm qua, khiến người dân bức xúc.

Theo ông Kiên, việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, với trang thiết bị hiện đại cũng cần phải được tiến hành nhằm đảm bảo quá trình theo dõi chất lượng không khí, tiếng ồn, môi trường nước,…

Từ đó, có quá trình quản lý và kiểm soát chặt chẽ khí thải, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông, bùn thải từ hoạt động nạo vét.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân- Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào thuộc UBMTTQ TP HCM cho rằng, việc thu gom rác thải nên được tổ chức bài bản, ký kết với 100% hộ dân để tránh việc người dân tự ý xả rác bừa bãi xuống kênh rạch.

Bà Xuân cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền phải được đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao nhận thức của người dân, cũng như trách nhiệm của họ đối với việc bảo vệ môi trường sống chung quanh.

“Chẳng hạn, chúng ta tuyên truyền làm sao phân loại nhóm đối tượng để dễ tuyên truyền. Như trong các trường học thì đi vào các bài học, bài giảng; đối tượng công chức, viên chức thì qua các hội thảo, hội nghị, họp cơ quan; công nhân, lao động thì tỗ chức công đoàn hay ban quản lý các KCX, KCN đứng ra tổ chức”- bà Xuân gợi ý giải pháp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đầu nguồn phát thải ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO