Đấu giá tài sản còn nhiều bất cập

Lê Bảo 28/01/2016 11:10

Nhằm xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản và phát triển như một dịch vụ chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (Nghị định 17). Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố khung khổ pháp luật về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế và đặt ra yêu cầu sớm ban hành Luật Đấu giá. 

Hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều bất cập.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau gần 4 năm thi hành Nghị định 17, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện bán đấu giá nhiều loại tài sản, trong đó tập trung vào bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu...Qua 4 năm, các tổ chức đấu giá tài sản đã ký hơn 23.000 hợp đồng bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 38.876 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 41.959 tỷ đồng, vượt hơn 3.082 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Đánh giá về việc triển khai Nghị định 17, Bộ Tư pháp cho rằng, Nghị định 17 ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá rõ ràng hơn, thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức đấu giá. Đến nay, cả nước có 370 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, với 1.475 đấu giá viên (tăng hơn 2,7 lần so với năm 2011). Năm 2015, các tổ chức bán đấu giá đã tổ chức đấu giá thành 18.821 cuộc (tăng 2.423 cuộc so với năm 2014), nộp ngân sách nhà nước gần 369 tỷ đồng (tăng 76 tỷ đồng so với năm 2014). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa chuyên nghiệp, có quy mô nhỏ; việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất trong một số trường hợp còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật; còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao.

Trên thực tế, đánh giá của các địa phương cũng cho thấy, việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển còn chậm. Đáng chú ý, đội ngũ đấu giá viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Trong khi đó công tác phối hợp kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập…Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do số quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của đấu giá viên, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và cơ chế quản lý đối với đội ngũ đấu giá viên, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản còn chưa phù hợp.

Đánh giá về hoạt động đấu giá sau 4 năm triển khai Nghị định 17, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, chất lượng nhiều phiên đấu giá còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao, chưa có tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá, cơ chế kiểm soát việc bán đấu giá... Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người mua được tài sản (nhất là tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm) chịu nhiều rủi ro. Trong một số trường hợp, quyền lợi của người mua tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, nhất là về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản đôi lúc, đôi nơi còn buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động bán đấu giá còn chưa kịp thời” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nói.

Trước những hạn chế trên, trong năm 2015, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW theo hướng từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bổ trợ tư pháp, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và trình Chính phủ Dự án Luật Đấu giá tài sản với định hướng khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tăng cường trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật Đấu giá đã được trình Quốc hội thảo luận.

Được biết trong năm 2016, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản. Dự kiến Dự án Luật này sẽ được xem xét thông qua trong các kỳ họp Quốc hội tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu giá tài sản còn nhiều bất cập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO