Đầu tư vào nông nghiệp: Rào cản cần tháo gỡ

Duy Phương 28/03/2017 08:45

Đầu tư nông nghiệp không đơn giản, vừa cần một nguồn vốn lớn, mặt bằng đất đai rộng, yêu cầu về các tiêu chí để có thể sản xuất sạch cũng rất khắt khe. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận thấp, tính rủi ro cao… Đó là lý do vì sao doanh nghiệp (DN), thương nhân không mấy mặn mà đầu tư vào nông nghiệp cũng như lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp vì khó tiếp cận mặt bằng đất đai.

Phải đầu tư công phu, bài bản

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, theo các DN, khó khăn về thủ tục tiếp cận đất đai vẫn là mối quan ngại lớn kìm chân họ đầu tư vào lĩnh vực này.

Với một nước có nền kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, con số chưa đến 1% doanh nghiệp (trong tổng số trên 500 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước) đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, đây là lĩnh vực vẫn đang rất khó thu hút DN. Nhiều DN cho biết, đầu tư vào lĩnh vực này yêu cầu về vốn rất lớn song có vốn rồi chưa chắc đã làm được, bởi đi kèm là những rủi ro rình rập khiến DN có thể trắng tay.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc bộ phận Marketing Công ty thực phẩm sạch ĐTK, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải có sự chuẩn bị rất bài bản, công phu. Đặc biệt, đối với DN nào đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi buộc phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chí về chăn nuôi sạch mới có thể làm được. Chẳng hạn, nếu đầu tư chăn nuôi lợn sạch, DN phải tìm được mặt bằng lớn, phải quan trắc và có khoảng cách an toàn sinh học, cách xa khu dân cư. Bên cạnh đó, bà Trang cho biết, đầu tư chăn nuôi sạch buộc phải tìm được nơi có nguồn nước ngầm tốt vì không thể sử dụng nước máy để chăn nuôi. Từ khâu chăm sóc, chăn nuôi, thức ăn đầu vào ở đâu cho đến khâu giết mổ đều phải là một quy trình khép kín.

Hay như đầu tư vào một nhà máy sản xuất trứng sạch, tất cả các quy trình từ chọn gà giống cho đến khâu thu gom trứng, đều phải tuân thủ các quy định để đảm bảo bằng được yếu tố sạch khuẩn. Các công nhân trước khi vào nhà máy đều phải qua khâu khử trùng, thay quần áo bảo hộ lao động đã được khử trùng rồi mới được vào trong khu chăn nuôi. Vì theo bà Trang, chỉ cần có một virus cúm xâm nhập là có thể hại đến cả đàn gà hàng ngàn con và mọi thứ coi như công cốc. Như vậy, DN phải đầu tư từ A-Z mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mà muốn đầu tư cả một quy trình đó, thì số tiền DN bỏ ra không phải là nhỏ.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp lại chịu nhiều rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh. Nếu chẳng may một lứa lợn, gà chuẩn bị xuất chuồng mà có đợt dịch, mặc dù sản phẩm chăn nuôi của công ty đó không bị mắc bệnh nhưng do tác động của đợt dịch đó, người tiêu dùng không ăn thịt lợn, thịt gà thì coi như đợt đó bị lỗ. Do đó, bà Trang cho rằng, kể cả khi DN đầu tư rất bài bản cho sản xuất nông nghiệp, nhưng những tác động ngoài ý muốn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ và DN có thể thua lỗ. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các thương nhân, đặc biệt là những người có vốn nhỏ không dám thử sức mình vào lĩnh vực này.

Rào cản thủ tục hành chính vẫn vướng

Nói về những khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Lệ- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, một doanh nhân cũng đã thành công khi tham gia vào việc trồng hoa, trồng rau bằng các thiết bị công nghệ cao, cho biết, khó khăn lớn nhất của các DN khi muốn đầu tư vào nông nghiệp là mặt bằng kinh doanh và vốn. Đầu tư vào nông nghiệp, phải có một diện tích lớn và để tìm được nó, buộc phải đi xa chứ không thể loanh quanh ở Hà Nội được. Khi tìm được diện tích rồi, các khâu làm việc với địa phương để có thể sở hữu và thực hiện sản xuất trên diện tích đó cũng phải mất thêm một thời gian khá dài để thực hiện được các thủ tục hành chính. “Và như vậy, nếu không đủ kiên trì, anh cũng khó có thể thành công được trong lĩnh vực này”- vị doanh nhân chia sẻ.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, theo các DN, khó khăn về thủ tục tiếp cận đất đai vẫn là mối quan ngại lớn kìm chân họ đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều DN cho biết, thiếu vốn họ có thể xoay được nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp, kể cả có nguồn vốn dồi dào mà không có mặt bằng chăn nuôi, trồng trọt đủ lớn để làm trang trại, xây dựng nhà máy thì có cũng như không.

Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 80% DN tham gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, cần phải có mối quan hệ mới có thể tiếp cận được thông tin về thuế, quy hoạch, đất đai… Để tiếp cận được các thông tin, phần lớn các DN đều cho rằng, cần phải quan hệ tốt. Thậm chí, 68% DN nông nghiệp thường xuyên bị chi trả không chính thức. Điều này cho thấy, DN làm nông nghiệp muốn phát triển vẫn cần phải dựa vào “mối quan hệ tốt” và phải bỏ ra nhiều loại chi phí “ngoài luồng”. Như vậy, các rào cản về thủ tục hành chính vẫn chưa được cởi bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư vào nông nghiệp: Rào cản cần tháo gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO