Đầu tư VĐV trọng điểm: Mới chỉ là bề nổi

Việt An 18/11/2018 09:00

Với số lượng VĐV, HLV lên tới hàng nghìn người như hiện nay, việc rót kinh phí là vô cùng tốn kém, ngay cả khi sự đầu tư của Nhà nước chưa bao giờ là đủ. Tuy nhiên, ngay cả khi tăng chế độ tiền công, tiền ăn cho các VĐV, thì đó mới chỉ là điều kiện cần. Với các VĐV đỉnh cao, được đầu tư trọng điểm hướng tới những đấu trường lớn như Aisad hay Olympic, họ cần nhiều hơn như thế…

Đầu tư VĐV trọng điểm: Mới chỉ là bề nổi

Khẩu phần ăn của "kình ngư" Ánh Viên.

Trong nhiều năm qua, những thay đổi mang tính đột phá về chế độ tiền công, tiền ăn mới chỉ tập trung vào những VĐV trọng điểm. Và có thể thấy, giải pháp với nguồn đầu tư lên tới 20 tỷ đồng/năm lập tức phát huy hiệu quả. Cứ trước mỗi dịp có giải đấu lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic, mỗi tuyển thủ trọng điểm có mức tiền công 400 nghìn đồng/ngày, tương ứng với 10,4 triệu đồng mỗi tháng, gấp đôi so với khi còn là tuyển thủ thường (chưa bao gồm tiền ăn 400 nghìn đồng/ngày).

Ngành thể thao đã dồn nguồn lực để ưu tiên tối đa các chuyến tập huấn thi đấu, nhất là các giải quốc tế tầm cao, cho những tuyển thủ ưu tú. Trong 2 năm, thành quả của rất nhiều tuyển thủ tại SEA Games 29 và nhất là Asiad 2018 chính là minh chứng sinh động cho giải pháp đầu tư trong điểm của thể thao Việt Nam.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, các VĐV thành tích cao đã giành 172 HCV, 114 HCB, 88 HCĐ, trong đó có 16 HCV, 21 HCB, 21 HCĐ thế giới; 54 HCV, 39 HCB, 43 HCĐ châu Á; 80 HCV, 47 HCB, 18 HCĐ Đông Nam Á, còn lại là các giải quốc tế khác. Đặc biệt ở Asiad diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Việt Nam 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ, bên cạnh đó là giải Olympic trẻ vừa kết thúc với 2 HCV, 1 HCB.

Thành tích tăng lên từ sự đầu tư trọng điểm với hơn 60 gương mặt xuất sắc, nhưng thành công nhất định đó, không phải là tất cả…

Ông Vương Bích Thắng –Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, trong nhiều năm qua, việc các quy định về chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV thể thao luôn được bổ sung, điều chỉnh, thay thế cho phù hợp với thực tế.

Tính từ đầu năm, Tổng cục TDTT đã triệu tập 1.433 lượt VĐV, 408 HLV, 28 chuyên gia tập huấn tại các trung tâm HLTTQG. Trong đó, trình Bộ trưởng quyết định phê duyệt 62 VĐV, 23 HLV xuất sắc của 18 môn thể thao chuẩn bị tham dự Asiad 18 và các giải thể thao thế giới, châu lục, khu vực. Với ngân sách mỗi năm khoảng 600 tỷ đồng cho ngành thể thao, rõ ràng những nhà quản lý phải co kéo sao cho đủ ở mức cơ bản nhất, còn muốn đầu tư trên diện rộng như các nước là không có.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT thừa nhận, ngay cả việc đầu tư trọng điểm cho mấy chục VĐV, cũng chưa tới nơi tới chốn. Rõ nhất là chuyện dinh dưỡng, y học và thuốc men, hồi phục chấn thương, thể lực, tập huấn thi đấu quốc tế, rồi thuê chuyên gia… vốn ngày càng quan trọng đối với thể thao thành tích cao, nhưng hầu hết không có sự đồng bộ. Ngay như cả chuyện tưởng như rất đơn giản như chế độ ăn, các VĐV cũng chỉ được ăn nhiều hơn, với nhiều món hơn, chứ chưa được đáp ứng theo đúng đặc thù từng môn.

Chuyện triển khai thực hiện của một số môn cũng có những bất cập, dẫn đến sự lãng phí của nhiều trường hợp. Điển hình như xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Ánh Viên hay tài năng trẻ trên đường chạy Lê Tú Chinh. Riêng 3 VĐV trọng điểm này trong năm qua đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nhưng thành tích lại không tốt ở Asiad 2018.

Nhà vô địch Asiad Bùi Thị Thu Thảo cho biết cô gần như đã “đổi đời” khi nhận tiền thưởng vài trăm triệu đồng cho tấm HCV. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều VĐV nói nghề thể thao vẫn bạc lắm. Nếu có thành tích, có huy chương được người ta tung hô, tiền thưởng, còn không được sẽ trắng tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư VĐV trọng điểm: Mới chỉ là bề nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO