Dạy - học tích hợp để có kiến thức tổng thể

Triết Giang 06/01/2019 08:00

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học); tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp); tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học).

Dạy - học tích hợp để có kiến thức tổng thể

Dạy và học tích hợp góp phần giảm tải chương trình. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tại sao lại phải học tích hợp? Đây là một câu hỏi được đưa ra ngay từ khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống, qua đó giúp học sinh phát triển được những phẩm chất và năng lực mà chương trình GDPT kỳ vọng.

Cụ thể hơn, phương pháp dạy và học tích hợp sẽ giúp giảm kiến thức trùng lặp.

2 môn tích hợp mới được quan tâm đặc biệt

Theo Bộ GDĐT, trước khi chính thức công bố chương trình GDPT mới vào cuối năm 2018, Bộ đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà giáo và xã hội để chỉnh sửa, hoàn thiện, thông qua dự thảo Chương trình tổng thể (đưa ra từ tháng 7/2017). Trong quá trình hoàn thiện, các chương trình môn học đã được thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục. Theo đánh giá của các chuyên gia, những điểm cần khắc phục trong quá trình thực nghiệm cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GDĐT cho hay: Nội dung chương trình GDPT sẽ đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Ở cấp Tiểu học và THCS sẽ thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, qua đó tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.

Đơn cử như trong chương trình GDPT mới vừa được công bố, có hai môn học mới có tên gọi là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở bậc THCS. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Còn môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.

Theo Ban soạn thảo chương trình GDPT mới, 2 môn học tích hợp nói trên hiện đang giành được sự quan tâm nhiều nhất. Trong thiết kế chương trình, môn Khoa học tự nhiên gồm 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khoẻ, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Còn chương trình môn Lịch sử và Địa lý gồm nội dung của 2 phân môn, vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ nhau. Cùng đó, chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: các cuộc đại phát kiến địa lý, Đô thị - lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông…

Dạy - học tích hợp để có kiến thức tổng thể - 1

Dạy và học tích hợp góp phần giảm tải chương trình. Ảnh Phạm Quang Vinh.

Dạy - học tích hợp để có kiến thức tổng thể

Lý giải băn khoăn rằng tại sao phải học tích hợp? Ban soạn thảo chương trình GDPT mới cho hay, khi giải quyết một vấn đề thực tiễn thì học sinh không chỉ cần hiểu biết về một phương diện nào đó mà cần kiến thức tổng hợp nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Mặt khác, kho tàng kiến thức của nhân loại ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở các trường phổ thông có hạn.

Do đó, giáo dục phổ thông cần có giải pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn này. Dạy học tích hợp là một trong nhiều giải pháp mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra từ hàng chục năm nay. Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, đồng thời góp phần giảm tải chương trình. Điều này cũng đã được chứng minh trong quá trình thử nghiệm dạy học tích hợp ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Do đó, theo Ban soạn thảo, việc thiết kế môn học tích hợp Khoa học tự nhiên ở cấp THCS trong chương trình GDPT mới của Việt Nam là một lựa chọn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Việc tích hợp Lịch sử và Địa lý thành một môn học (Lịch sử và Địa lý hoặc Khoa học xã hội, Nghiên cứu xã hội) không phổ biến như môn Khoa học tự nhiên, nhưng đã thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore…

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực tiễn dạy học lâu nay, nhiều giáo viên đã vận dụng cách dạy học tích hợp, liên hệ, vận dụng kiến thức nhiều môn học để giảng dạy. Tuy nhiên, nếu quan điểm tích hợp được quán triệt ngay từ khâu thiết kế chương trình và biên soạn SGK thì giáo viên sẽ vận dụng thuận lợi hơn và việc dạy học sẽ hiệu quả hơn vì được triển khai trên toàn hệ thống.

Theo Ban soạn thảo, chương trình GDPT mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học); tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp); tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học).

Đã sẵn sàng?

Cho dù Ban soạn thảo khẳng định: Phương thức và mức độ tích hợp như trên phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của giáo viên và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh, đồng thời cũng bảo đảm tính hệ thống của các kiến thức cốt lõi. Nhưng ngay khi chương trình các môn học này được công bố, không ít giáo viên thừa nhận, đến hiện tại, họ vẫn mơ hồ về môn tích hợp, cũng như phương pháp để dạy môn học mới này.

Điều khiến đội ngũ giáo viên băn khoăn và lo lắng là các môn học tích hợp ở cấp THCS sẽ được giảng dạy thế nào? Một giáo viên sẽ dạy cùng lúc 3 chương trình, hay một chương trình có tới 3 người dạy? Chưa kể đến những bất cập trong việc tổ chức triển khai học và thi tại các trường, như việc vào điểm, ra bài, ra đề chấm thi vào môn thi tích hợp của các trường sẽ ra sao…

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS vẫn có các mạch kiến thức độc lập, bên cạnh đó sẽ thiết kế các chủ đề liên môn. Cụ thể môn Lịch sử và Địa lý sẽ có hai mạch riêng, nhưng ở các lớp 7, 8, 9 có chủ đề chung khoảng từ 6-10 tiết. Tương tự, môn Khoa học tự nhiên vẫn có các mạch độc lập của vật lý, hóa học, sinh học nhưng sẽ có các chủ đề chung. Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.

Để thực sự phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp, theo GS Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, thì vai trò của giáo viên thực sự quan trọng. Mỗi giáo viên phải biết phân tích nội dung môn học để thiết kế các hoạt động, sao cho khi thực hiện học sinh phải vận dụng kiến thức kỹ năng ở các phạm vi rộng khác nhau, ứng với các mức độ tích hợp nêu trên, tương thích với các bối cảnh của quá trình dạy học.

Giáo viên cần tổ chức cho học sinh các hoạt động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, để hiểu sự vật với tri thức đa dạng, từ đó phát triển năng lực.

Cũng trong hoạt động này, học sinh sẽ phải huy động nhiều mảng kiến thức khác nhau, bởi không thể giải quyết vấn đề chỉ với một nội dung kiến thức đơn lẻ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kỹ năng rời rạc làm cho con người trở nên “mù chữ chức năng”, nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin, nhưng không dùng được.

Theo Bộ GDĐT, hiện các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, cùng chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này. Những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học. Chương trình bồi dưỡng được tổ chức thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lí để theo học và hoàn thành chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy - học tích hợp để có kiến thức tổng thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO