Đẩy mạnh cải cách Bảo hiểm Xã hội: Hướng tới nền hành chính phục vụ

Lê Bảo 16/05/2020 08:00

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian, chi phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách Bảo hiểm Xã hội: Hướng tới nền hành chính phục vụ

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia.

Nhiều TTHC được cắt giảm

Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động (NLĐ) có quyền được cấp và quản lý sổ BHXH. Do đó, doanh nghiệp không phải thực hiện lưu giữ, quản lý sổ BHXH cho NLĐ. Để triển khai thực hiện quy định này, từ tháng 10/2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và trả sổ BHXH cho NLĐ. Đến ngày 31/12/2018, Ngành BHXH đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát và bàn giao 13,3 triệu sổ đến tận tay người lao động (đạt tỷ lệ 99,28% tổng số người lao động đang tham gia).

Nhờ đó, từ tháng 1/2019 đến nay, 100% doanh nghiệp đã giảm được thời gian và nhân lực để cập nhật và lưu trữ sổ BHXH. Đặc biệt, việc bàn giao sổ BHXH mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như: NLĐ sẽ có đầy đủ thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình, đồng thời hàng năm được cơ quan BHXH gửi thông báo về mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm trong năm. Bên cạnh đó, NLĐ có thể tự tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Không chỉ giảm thời gian, nhân lực trong việc quản lý sổ BHXH cho người lao động, từ năm 2018, doanh nghiệp còn tiếp tục được “hưởng lợi” khi không phải rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho người lao động. Nếu như trước tháng 8/2017, doanh nghiệp phải tiến hành rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho người lao động, thì từ tháng 9/2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thẻ BHYT.

Theo đó, thẻ BHYT của người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được cơ quan BHXH gia hạn tự động. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng thẻ BHYT, đặc biệt doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục đề nghị gia hạn thẻ, nhận thẻ, chuyển thẻ BHYT đến từng người lao động.

Trong Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 24/6/2019 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc công bố TTHC thay thế, bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHXH thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã đơn giản mẫu văn bản đề nghị của đơn vị về đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ (Mẫu 05A-HSB) theo hướng bỏ yêu cầu kê khai theo cách thức người khai phải viết rõ nội dung và thay bằng hình thức lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp; bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở, chỉ yêu cầu duy nhất 1 chữ ký xác nhận của đơn vị trong Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB).

Những sửa đổi trên cùng với việc bãi bỏ thành phần hồ sơ: Bản sao Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại theo quy định tại Điều 57, 58 Luật An toàn về sinh lao động và thành phần hồ sơ là Sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đã góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi xử lý những công việc liên quan đến đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng cho người lao động.

“Đột phá” trong ứng dụng CNTT

Từ năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Theo đó, thời hạn nhận thông báo xác nhận hồ sơ giao dịch điện tử và thời gian chờ đợi chấp nhận việc hoàn tất hồ sơ đã được rút ngắn, chỉ còn trong tối đa 2 giờ trong ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp, việc thực hiện thông báo về quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC của Ngành đến người dân, doanh nghiệp ngày càng được rút ngắn về thời gian và đa dạng về hình thức như gửi thư điện tử, tin nhắn văn bản.

BHXH Việt Nam đã chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí Phần mềm kê khai nộp BHXH (Phần mềm K- BHXH) lên phiên bản web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ ngày 12/8/2019. Theo đó, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối Internet là có thể thực hiện kê khai “Nộp BHXH” trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn; cùng với đó là cho phép cá nhân thực hiện nộp hồ sơ đối với 8 TTHC liên quan đến giải quyết các chế độ BHXH qua giao dịch điện tử, trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam cấp. Điều này giúp người dân có thể gửi yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp trên môi trường mạng, giảm thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “1 cửa”.

Với việc quy định cụ thể thời gian tối đa gửi Thông báo chấp nhận đã hoàn tất việc nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử, đa dạng cách thức gửi thông báo tiếp nhận, giải quyết TTHC và nâng cấp Phần mềm K-BHXH lên phiên bản web đã giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn thực hiện kê khai nộp BHXH, giảm tập trung vào thực hiện kê khai qua hỗ trợ của các nhà IVAN, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng nghẽn mạng khi thực hiện, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh cải cách Bảo hiểm Xã hội: Hướng tới nền hành chính phục vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO