Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

Ngọc Yến 06/10/2018 09:00

Nhờ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hết Quý III/2018 BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về giảm thủ tục hành chính (TTHC). Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt các thủ tục không cần thiết cho người hưởng, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

BHXH Việt Nam tiếp tục giành nhiều kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính.

Cắt giảm các thủ tục không cần thiết

Để cắt giảm các thủ tục không cần thiết, ngày 16/7/2018 BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT…

Tiếp tục triển khai hệ thống các phần mềm nghiệp vụ; kiện toàn hệ thống chăm sóc khách hàng để hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người dân và DN; nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT; duy trì hệ thống mạng WAN, triển khai các giải pháp về an toàn thông tin từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện, đảm bảo kết nối thông suốt và bảo mật thông tin cho các hoạt động của ngành trên môi trường mạng...

Đồng thời, trên cơ sở Quyết định số 888/QĐ-BHXH, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-BHXH ngày 26/7/2018 công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính kịp thời. Trong Quý III, BHXH Việt Nam tiếp nhận được 1 phản ánh, kiến nghị của cá nhân và 2 phản ánh, kiến nghị của DN về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Các phản ánh, kiến nghị đã được các đơn vị nghiệp vụ và BHXH địa phương giải quyết kịp thời, đúng quy định, cập nhật thông tin đầy đủ trên hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của Cổng TTĐT Chính phủ.

Thực hiện công bố công khai TTHC của ngành theo quy định của Chính phủ; đồng thời công khai trên Trang thông tin điện tử của ngành và tổ chức niêm yết tại Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH tỉnh, bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH huyện theo quy định của ngành.

Duy trì việc tổ chức bộ phận “một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và vận hành có hiệu quả Hệ thống “một cửa điện tử tập trung” trên cơ sở phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Hiện đại hoá hành chính

Bên cạnh việc cải cách TTHC, cơ quan BHXH tiếp tục sử dụng và vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành phiên bản 1.0 trong toàn ngành; toàn bộ văn bản chỉ đạo, thông tin, xử lý nghiệp vụ được số hóa và sử dụng chữ ký số. Thực hiện ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KCB, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nhất là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT...

Phối hợp với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu để sẵn sàng cho việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH trong thời gian tới, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp và hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BH thất nghiệp.

Tổ chức Hội nghị An toàn thông tin ngành BHXH năm 2018; triển khai công tác phòng chống, xử lý tấn công mạng, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin tập trung của ngành; hiệu chỉnh phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo các quy định mới; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát đường truyền mạng WAN; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng trong ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng khẳng định, hiện vẫn còn một số hạn chế mà ngành cần tập trung khắc phục, như: Tại BHXH cấp huyện, cá biệt vẫn để xảy ra việc hướng dẫn người thụ hưởng chế độ BHXH về thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, gây phiền hà, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Hạ tầng CNTT chưa thực sự đồng bộ, một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa tập trung, liên thông trong phạm vi toàn quốc, phần mềm quản lý nghiệp vụ còn phải tiếp tục hoàn thiện, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giao dịch điện tử, nhất là trong lĩnh vực giám định BHYT.

Do đó, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn các chỉ số, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Thực hiện đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ do BCH Trung ương ban hành.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách cải cách trong lĩnh vực BHXH; vận hành có hiệu quả Hệ thống hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và xây dựng phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO