Đẩy mạnh hội nhập, không để thua trên sân nhà

V.Thắng 22/12/2016 09:35

Ngày 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo chủ trương đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Theo đó chúng ta đã chuyển sang giai đoạn hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước thông qua đàm phán và tham gia các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, thì Việt Nam đang đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Báo cáo cần phân tích rõ hơn ngành nào hội nhập thành công phát triển bền vững, ngành nào chậm có xu hướng chậm lại để từ đó tập trung cho chính sách cùng với các biện pháp mạnh mẽ để tăng năng lực cạnh tranh. “Các nhà đầu tư nước ngoài như: Đan Mạch, Thụy Điển khen nước ta tăng trưởng kinh tế mức cao và ổn định; ổn định chính trị; có nguồn lao động dồi dào. Như vậy có thể thấy thể chế kinh tế thị trường đến nay khá đầy đủ nhưng cái vướng chính là tổ chức thực hiện, đi chỗ nào cũng kêu ca, chủ yếu là do cán bộ công quyền. Trong 10 nhóm tồn tại vậy đâu là cái gây ra gây cản trở sự phát triển thì phải chỉ ra?”- ông Giàu nêu.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh nhiên, thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì cho rằng, cần xem xét hệ thống cán bộ quản lý, bởi khâu yếu là ở quá trình thực hiện chứ không phải hệ thống chính sách pháp luật. Theo ông Bình, nếu nằm ở khâu thực thi thì Quốc hội và Chính phủ phải xem xét.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung đang triển khai. Hội nhập có đàm phán hiệp định; và đề xuất sáng kiến thì thời gian qua tính tích cực có mức độ cho nên sắp tới Chính phủ sẽ cố gắng hơn, tham gia chủ động hơn, hoàn thiện các thể chế trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, đồng thời chủ động đề xuất. Nhưng đề xuất đòi hỏi thực lực phải mạnh hơn và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Công thương chủ động nghiên cứu, chứ không để họ dẫn dắt cuộc chơi. Rồi cũng phải tính đến tình huống nếu các nước khác khởi xướng một cuộc chơi thay cho TPP thì mình tham gia như thế nào? Khi đàm phán rồi nhiều người nói hội nhập quốc tế thì thành công nhưng trong nước lại chưa khởi sắc cho nên đây là thách thức, có cái chưa vượt qua được, người ta hay nói là “thua ngay trên sân nhà”.

“Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định phải xử lý kép những vấn đề nội tại, như nợ xấu, nợ công, các doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Ngoài 5 dự án lãng phí kém hiệu quả vừa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa rồi còn 7 dự án nữa và hiện Chính phủ đang xử lý. Phó Thủ tướng cho biết.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, một số tồn tại vướng mắc phải được khắc phục, nhưng cần nêu rõ nguyên nhân tồn tại yếu kém của nguồn nhân lực, cơ chế thị trường. Ghi nhận ý kiến của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quá trình thực hiện Chính phủ cần bám sát Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12 để đẩy mạnh hội nhập quốc tế, yêu cầu Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, và Quốc hội.

Biên chế Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 là 2.629 người

Chiều cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 Đề án của Kiểm toán Nhà nước, gồm: tổ chức, biên chế của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước. Báo cáo quy mô về biên chế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Kiểm toán Nhà nước đề xuất biên chế của Kiểm toán nhà nước lẫn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm từ năm 2016 đến năm 2025. Theo đó giai đoạn 2016-2020, nguồn nhân lực là 2.629 người, trong đó gồm 2.374 công chức và 255 viên chức. Giai đoạn đến năm 2025, nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước tăng thêm là 425 công chức. Như vậy tổng cộng hai giai đoạn 10 năm (từ 2016-2025) tổng số đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với Chiến lược là 446 người).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh hội nhập, không để thua trên sân nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO