Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine

Bắc Phong 29/06/2021 08:37

Trong 2 ngày 26 và 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là 3 địa phương đang phải chịu sức ép rất lớn từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này. Đây cũng là những địa phương đông dân, mật độ dân số cao, là nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với rất đông người lao động tập trung.

Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên. Ảnh: Khôi Nguyên.

Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 đi đôi với bảo đảm hoạt động sản xuất, không để gián đoạn. Thành phố Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhanh chóng sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Làm việc với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax), Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh hơn các quy trình thử nghiệm lâm sàng vaccine, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong sản xuất vaccine Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh “lúc nước sôi lửa bỏng thì phải chạy” và phải “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, nhất là quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đặt ra nhiều vấn đề, như: Vaccine phòng Covid-19 nội sử dụng công nghệ nào, chuyển giao từ đâu và độ tin cậy ra sao; nguyên liệu đầu vào tự sản xuất hay nhập khẩu; chất lượng vaccine được đánh giá ra sao; giá thành và số lượng sản xuất mỗi tháng nếu nghiên cứu thành công như thế nào...

“Vaccine có tính chất quyết định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta thấy nước nào tiêm được vaccine thì cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Với việc sản xuất được vaccine nội, ngoài giá thành giảm còn làm cho cả nước chủ động hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Được biết, hiện mẫu vaccine Nano Covax của Nanogen đã được gửi cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm tra. Lãnh đạo Nanogen cho biết, tiêu chuẩn khi sản xuất vaccine của công ty là đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Qua các giai đoạn đã triển khai thử nghiệm đến nay cho thấy không chỉ an toàn, vaccine Nano Covax còn đảm bảo tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ thực sự.

Tới nay, vaccine Nano Covax đang trong giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng tiêm thử nghiệm trên người. Hôm 8/4 vừa qua, 3 tình nguyện viên cuối cùng được tiêm thử nghiệm, kết thúc chương trình tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax.

Quá trình theo dõi cho thấy, tất cả trường hợp được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax đều ổn định, chỉ có một số biểu hiện thông thường sau khi tiêm như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm hay mệt mỏi. Không có phản ứng nặng.

Trước đó, ngày 26/2, mũi tiêm thứ nhất của chương trình thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax được tiến hành song song tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 12/2020.

Đó là dấu hiệu cho thấy hiệu quả bước đầu của Nano Covax, tuy nhiên giai đoạn 3 mới là quyết định. Bộ Y tế cho biết, theo quy định của WHO và các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu…, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là quan trọng nhất. Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Với bất cứ vaccine nào trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.

Đợt tiêm chủng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax bắt đầu vào ngày 22/6. PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng), cho biết sau khi tiêm 1 liều 25 mcg (liều duy nhất), các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, vaccine được coi là vũ khí vô cùng quan trọng. Điều đó có thể thấy rõ với các quốc gia châu Âu khi mà tỷ lệ người được tiêm vaccine cao, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tới nay, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn phải vật lộn với Covid-19 thì hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã “thở phào nhẹ nhõm”, cũng là nhờ vaccine.

Trên các khán đài sân vận động của giải vô địch bóng đá châu Âu đang diễn ra, người ta chứng kiến một cảnh tượng hết sức cuồng nhiệt, tưng bừng; trái ngược với cảnh đìu hiu của châu lục này chỉ mới cách đây vài ba tháng, khi chiến dịch tiêm chủng vaccine chưa rầm rộ.

Thực tế đó cho thấy, cùng với việc nhập khẩu vaccine, xúc tiến đàm phán chuyển giao công nghệ nước ngoài sản xuất trong nước, thì việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước là vô cùng quan trọng. Chỉ có chủ động được vaccine chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng bền vững, không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài vì diễn biến của đại dịch Covid-19 là rất phức tạp, khó lường.

Chính vì thế, đây phải là giai đoạn “bứt tốc” sản xuất vaccine trong nước, các thủ tục hành chính “truyền thống” cần phải được gỡ bỏ với mục tiêu sớm nhất, nhanh nhất đất nước phải chủ động được nguồn vaccine do chính chúng ta làm ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO