Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

H.Hương 25/10/2016 09:19

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã trải qua được 5 năm. Tuy nhiên, chương trình tái cơ cấu được giới chuyên gia nhìn nhận chưa chuyển động được bao nhiêu.

Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Tái cơ cấu được cho là chậm trễ trong 5 năm qua.

Chuyên gia kinh tế GS Võ Đại Lược đưa ra bình luận tái cơ cấu thì cái đầu phải tái trước, phải dựa trên quan điểm mới nhưng mọi thứ có vẻ vẫn như cũ. Ví dụ phải cổ phần hóa mạnh mẽ các DN nhà nước nhưng nhiều công ty lớn như Sabeco, Habeco rất chậm vì nhóm lợi ích cản trở.

Và để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, theo tờ trình của Chính phủ nguồn lực cần thiết để tái cơ cấu sẽ lên đến hơn 10.567.000 tỷ đồng (hơn 10,5 triệu tỷ đồng ). Trong đó dự kiến cơ cấu có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn lại 2/3 sẽ huy động từ các nguồn lực xã hội khác.

Các hành động đi kèm với tái cơ cấu giai đoạn mới cũng được kể ra, Chính phủ sẽ xem xét thành lập Tổ công tác để đôn đốc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

5 nội dung lớn cũng được đưa ra, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

10 triệu tỷ đồng là con số quá lớn để hình dung nhưng những hành động đi kèm cụ thể lại đang quá ít. Đặc biệt là đáng quan ngại với những đòi hỏi từ phía doanh nghiệp, khi họ yêu cầu có thêm những ưu ái để giải quyết nợ xấu, để xóa nợ thuế, để cứu khu vực doanh nghiệp với số nợ lên tới 2,6 triệu tỷ đồng.

Những đòi hỏi này, tiếp tục làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục kéo lùi nền kinh tế vào mô hình tăng trưởng theo hướng phải đầu tư dàn trải.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn trình bày quan điểm, cách phân bổ nguồn lực dễ “làm xói mòn nguồn lực quốc gia, triệt hạ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” theo cách mua đắt bán rẻ, không tính tới hiệu quả.

Trong khi đó, động lực của cỗ máy tăng trưởng là kinh tế tư nhân lại “mất đà, mất cả nhiệt huyết. Vì vậy theo ông Cung tái cơ cấu trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực, thay đổi cách hành chính xin - cho

Trong khi đó TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thừa nhận trong bối cảnh hội nhập mà cấu trúc DN Việt Nam không có trục liên kết, sức mạnh dẫn dắt thì rõ ràng cho thấy tính mất cân đối của mô hình tăng trưởng.

Do vậy, theo ông Thiên đã đến lúc triệt để hướng tới mô hình tăng trưởng mới thay vì tái cơ cấu mà vẫn muốn giữ lại mô hình cũ. Nhưng chọn cách đi nào?

Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, cần thiết phải đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh.Theo đó, việc phân bổ lại nguồn lực cần được chú trọng.

Trong đó có các giải pháp tập trung như phát triển các thành phần kinh tế tư nhân. Bằng các giải pháp hữu hiệu tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.

Thống kê chỉ ra, nền kinh tế đang có 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của cộng đồng DN trong tương lai gần.

Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức DN thì mục tiêu có được 1,5-2 triệu DN trước năm 2020 là trong tầm tay. Bên cạnh đó việc chuyển đổi này cũng mang đến “lợi đơn lợi kép” vì con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh là lối thoát cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch thì rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt.

Do vậy nếu phân bổ lại nguồn lực, nhất là hỗ trợ chi phí vốn, có chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì khối doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO