Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà cho người có công

Việt Thắng 20/10/2016 09:00

Ngày 19/10, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong quá trình triển khai dù có tổ chức kiểm tra đôn đốc nhưng sự kiểm tra chưa được liên tục, thường xuyên nên có việc địa phương, xã, thôn làm chưa tốt dẫn đến tiến độ còn chậm, số liệu chưa chính xác.

Ảnh minh họa.

Chênh lệch con số

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, số lượng người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở liên tục có biến động theo hướng tăng. Tới thời điểm này, 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng đã hỗ trợ được khoảng 71.000 hộ gia đình, trong đó 49.000 hộ xây dựng mới và hơn 21.0000 hộ sửa chữa, cải tạo. Mức hỗ trợ với người xây mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới nhà ở là 20 triệu đồng/hộ.

Theo danh sách các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, thì số hộ cần hỗ trợ về nhà ở là khoảng 71.000 hộ nhưng sau khi triển khai theo hướng dẫn của Chính phủ thì số lượng lên đến khoảng 360.000 hộ. Sự chênh lệch quá lớn đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, rõ ràng chúng ta đã không thực hiện được mục tiêu này khi Chính phủ, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quyết định, tuy nhiên mới đạt được ¼. Đến nay cần làm rõ việc tính toán số lượng vượt lên, khả năng cân đối ngân sách. Còn ĐB Nguyễn Khắc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho người có công triển khai chậm, nhiều nơi còn có nhiều đơn thư khiếu nại kéo dài. “Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào? Sắp tới có giải pháp gì?”

Giải trình, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Chủ quan là do chưa tích cực của một số cơ quan. Trong quá trình triển khai dù có tổ chức kiểm tra đôn đốc nhưng sự kiểm tra chưa được liên tục, thường xuyên nên có việc địa phương, xã, thôn làm chưa tốt nên tiến độ còn chậm, số liệu chưa chính xác. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, các hộ nằm ở diện này thì ưu tiên nhà quá hư hỏng sắp đổ, ưu tiên người có công cao tuổi tránh việc người cao tuổi mất rồi mà không được hưởng chính sách, người ở vùng thiên tai, bão lụt, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian tới sẽ xem xét cụ thể, ưu tiên cho những trường hợp cần xây dựng nhà trước.

Cụ thể, không chung chung

Ông Huỳnh Văn Tý- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, các tỉnh sau khi phê duyệt danh sách đối tượng thì gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chứ không gửi cho Bộ LĐTBXH. Bộ là nơi quản lý đối tượng người có công nhưng không được xác định đối tượng, trong khi đó Bộ Xây dựng là nơi xác định tình trạng nhà.

Theo ông Đặng Thế Phương- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Quyết định 22 quy định thời gian và tiến độ năm 2012 phải thực hiện xong đối tượng. Khi các tỉnh gửi lên, ngoài số lượng ban đầu thì tăng thêm thành 80 ngàn hộ. Hết năm 2015 Bộ KH-ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách Trung ương là 2.517 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80 ngàn hộ. Thời gian tới, theo ông Phương, chính sách hỗ trợ theo phương thức cấp vốn trực tiếp để xây mới dự án nhà ở; trình Chính phủ đưa vào 7.300 tỷ để xử lý và hiện chuẩn bị trình ra Quốc hội. Ông Phương kiến nghị có thể xem xét hỗ trợ bằng nguồn đầu tư công hoặc chi thường xuyên. Kiến nghị Quốc hội cho phép cân đối bố trí nguồn vốn giải ngân vốn theo Quyết định 22 không dựa trên quy trình thủ tục của Luật Đầu tư công vì nếu làm như vậy thì không thể nhanh được.

Giải trình thêm, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính cấp tiền chậm là do với các số hộ địa phương xây dựng tổng hợp thì Bộ đã cấp đủ, còn hộ phát sinh thêm ngoài số báo cáo tổng hợp, các hộ tăng lên 3-4 lần. Trên cơ sở số liệu của Bộ Xây dựng thì sẽ cấp đủ tiền cho các địa phương trong thời gian tới.

Đối với giải trình của các Bộ, ông Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề: Vậy trách nhiệm của các Bộ, ngành như thế nào? Các Bộ cùng nhau thảo ra Quyết định 22 tại sao Bộ này biết, Bộ kia không biết? Bộ LĐTBXH là nơi quản lý các đối tượng nhưng lại không được xác định đối tượng. Như thế là các Bộ không nói rõ trách nhiệm. Phải làm rõ chứ cứ chung chung lại không ổn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong tiếp: “Việc phát sinh phải rút kinh nghiệm. Bộ LĐTBXH được giao nhiệm vụ rà soát lại trong khi người có công do Bộ này quản lý. Phải đi xin số liệu của Bộ Xây dựng thì làm sao mà chặt chẽ được? Bộ Xây dựng cứ tính theo nhà dột nát, trong khi ở nhiều nơi nhà thủng, mang chậu ra hứng nước rồi nói nhà dột nát để được hỗ trợ. Từ đó khiến danh sách tăng lên, phát sinh thêm kinh phí.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, sẽ tổ chức công tác kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ hơn, kịp điều chỉnh một số vấn đề địa phương làm chưa đúng. Khi số liệu các địa phương gửi, thấy lệch, sẽ chuyển cho Bộ LĐTBXH thẩm định lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà cho người có công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO