Dạy thêm học thêm nhu cầu hay vấn nạn - Bài 2: Lỗi do chương trình?

Nguyễn Hoài 18/11/2021 13:31

Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, nhiều lớp dạy thêm online đang nở rộ với nhiều hình thức mời chào phụ huynh. Thậm chí dù đã có chỉ đạo cấm dạy thêm online trong mùa dịch nhưng vẫn có giáo viên vi phạm dẫn tới bức xúc cho phụ huynh. 

Trong bối cảnh học sinh học trực tuyến, cả ngày ôm thiết bị điện tử như hiện nay thì việc dạy thêm, học thêm online càng khiến học sinh thêm mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Hơn nữa, hệ lụy của việc dạy thêm chui, lôi kéo học sinh vào các lớp học online vô hình chung làm mất đi hình ảnh cao quý của nghề giáo.

Từ mời chào đến ép học sinh

“Em mở lớp dạy online cho các bé khối tiểu học. Với kinh nghiệm dạy học ở trường tiểu học 5 năm nên hiểu ý và sẽ giúp các con học tốt hơn”, trước lời giới thiệu của một cô giáo trên diễn đàn mạng xã hội, chị Nguyễn Thanh Hương (Thanh Trì, Hà Nội) liên hệ với số điện thoại của cô giáo trên hỏi mức học phí. Tuy nhiên, sau khi nghe cô giáo này tư vấn, chị Hương không đăng kí cho con học ngay vì muốn tham khảo thêm một số lớp học thêm online khác.

Chị Hương cho biết, những ngày sao đó, chị liên tục nhận được cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình học tập của con, mời chào con tham gia học thử của cô giáo này.

Trên mạng xã hội hiện nay đang nở rộ nhiều lớp học thêm online.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Vũ Kim Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang phát cáu vì các cuộc gọi tư vấn, mời chị cho con tham gia lớp học thêm online. Chuẩn bị kết thúc học kỳ I mà con học vẫn còn lơ mơ nên chị Chi lên mạng tìm lớp học thêm, tài liệu tham khảo ôn tập cho con.

Thấy có cô giáo chia sẻ nội dung: “Cô T. đang có tài liệu học Tiếng Anh hay cho con, phụ huynh nào quan tâm để lại email, số điện thoại, cô T. gửi tài liệu học miễn phí” - đăng trên một diễn đàn giáo dục, chị Chi liền để lại email và số điện thoại để xin chia sẻ tài liệu. Từ đó đến nay, chị Chi không đếm xuể đã có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến mời chào tham gia các lớp học thêm online.

Không chỉ “hoa mắt, ù tai” với những lời mời chào từ các lớp học thêm online, phụ huynh bức xúc hơn khi có giáo viên mời gọi, thậm chí ép học sinh học thêm trực tuyến. Vào trung tuần tháng 10, thông tin về việc một giáo viên Trường THCS Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) ép học sinh dạy thêm trực tuyến đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trường THCS Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội).

Theo phản ánh của một số phụ huynh lớp 9A1, Trường THCS Kim Nỗ, ở giờ học online chính khóa, các giáo viên thường dạy cầm chừng. Bên cạnh lịch học chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, con em họ còn bị giáo viên ép học thêm trực tuyến các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Hóa học vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật.

Nhiều học sinh tỏ ra rất uể oải vì học quá nhiều. Không những thế, phụ huynh còn phản ánh, nếu em nào học thêm ở chỗ khác là bị giáo viên chủ nhiệm lớp này bắt ngừng ngay việc học hoặc nói xấu về giáo viên dạy ở các lớp đó.

Hành động trên của giáo viên Trường THCS Kim Nỗ là không thể chấp nhận được. Thế nhưng, chỉ sau đó ít ngày, nhiều phụ huynh có con học tại lớp 2B Trường Tiểu học Kim Nỗ cũng gửi phản ánh về sự việc tương tự xảy ra với con em họ.

Sự việc này một lần nữa cho thấy, việc dạy thêm trực tuyến đã không còn trong phạm vi của một lớp, một trường học cá biệt nào. Trong khi học sinh căng thăng vì phải học trực tuyến kéo dài thì việc dạy thêm giờ, thêm nội dung, mời chào, ép học sinh học thêm càng cần phải lên án.

Tại sao phải học thêm?

Câu chuyện về dạy thêm, học thêm không mới nhưng đang được dư luận quan tâm suốt mấy ngày qua khi tại phiên chất và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa qua của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, vấn đề dạy thêm, học thêm lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra tranh luận, bày tỏ quan điểm sôi nổi, khách quan trên nhiều khía cạnh.

Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, những năm qua, ngành giáo dục từ cấp bộ, cấp sở đến trường học đã có nhiều công văn hướng dẫn về việc cấm dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng này vẫn không thể chấm dứt. Vậy nguyên căn là do đâu? Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long nêu quan điểm rằng, không nên có tư duy như cũ là cái gì không quản được thì cấm mà nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào?

Trong khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài thì việc dạy thêm online càng khiến học sinh thêm căng thẳng.

Gắn bó với bao thế hệ học sinh, thầy Lê Văn Tích, giáo viên Trường THCS Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, việc học sinh chạy đua học thêm khiến thế hệ trẻ mất đi cuộc sống tự do, mất cơ hội được trải nghiệm nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống.

Theo thầy Tích, nguyên căn của vấn đề không phải xuất phát từ lỗi của giáo viên hay nhu cầu của phụ huynh mà chúng ta cần nhìn nhận từ chương trình học hiện nay đang tồn tại một số bất cập. Thực tế rằng, ngoài chương trình học chính khóa trên lớp, học sinh phải đi học thêm mới nắm hết được kiến thức.

Cộng với đó là cách thức thi cử rồi trường chuyên, lớp chọn dẫn tới bệnh thành tích, gian dối trong giáo dục. Hệ lụy là chính học sinh là đối tượng phải gánh chịu và ảnh hưởng trực tiếp.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm không bình thường vẫn tồn tại dai dẳng.

TS Vinh nhấn mạnh tới vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo TS Vinh, thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên còn rất bất cập về phương pháp dạy học, đặc biệt đối với chương trình giáo dục phổ thông mới nên chưa thực sự giúp học sinh có được phương pháp tư duy và cách học, dẫn đến càng làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải của học sinh hiện nay.

Trong khi đó, đồng lương giáo viên không đủ sống là một yếu tố khách quan buộc các nhà giáo phải xoay xở dạy thêm bằng lao động của mình, dẫn tới việc ép buộc học sinh học thêm với nhiều cách khác nhau.

Hơn nữa, theo TS Vinh tâm lý chung của người Việt là mong muốn con không thua kém “con nhà người ta” nên không ít gia đình, kể cả khi không có điều kiện cũng lao vào cuộc chạy đua, chắt bóp chi tiêu để cho con em mình được học thêm. Đây là một thực tế.

“Tuy nhiên, ở một số vùng nghèo và ở gia đình nghèo thì khái niệm học thêm hầu như không tồn tại do ăn còn chả đủ lấy đâu kinh phí để học thêm. Thế nhưng, nhiều học sinh ở vùng quê nghèo vẫn có thành tích học tập rất tốt và sau này khi ra trường mang theo hành trang đó suốt đời và thành công trong sự nghiệp. Vấn đề này dấy lên câu hỏi, phải chăng giáo viên dạy cho trò biết cách học, biết cách tư duy và tự học mới là điều tạo cho họ giá trị dài lâu, không nhất thời”, TS Vinh nêu quan điểm.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nhu cầu dạy thêm và học thêm là một thực tế cả với lý do chính đáng và không chính đáng. Dạy thêm chính đáng là dạy thêm giúp những học sinh học yếu, có hoàn cảnh khó khăn hoặc những học sinh khá giỏi có nguyện vọng muốn được phát triển hơn nữa bằng chính lao động chuyên môn của nhà giáo. Dạy thêm không chính đáng phải lên án là hình thức dạy mang tính cưỡng ép bắt buộc học sinh của một bộ phận giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy thêm học thêm nhu cầu hay vấn nạn - Bài 2: Lỗi do chương trình?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO