ĐBQH băn khoăn khi sáng thảo luận nhưng 1h sáng mới nhận được tài liệu

Việt Thắng 08/09/2022 11:02

ĐBQH chỉ rõ có những trường hợp sáng hôm sau thảo luận thì đến 12h đêm, 1h sáng mới nhận được tài liệu nên đại biểu cũng không thể nghiên cứu được.

Chế tài trong chậm gửi tài liệu

Ngày 8/9, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

ĐB Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết, việc gửi tài liệu đúng thời hạn tới đại biểu Quốc hội đúng thời hạn là điều hết sức quan trọng, được quy định chặt chẽ tại Khoản 2, Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2020. Theo đó, dự thảo, dự án Luật, nghị quyết phải gửi tới đại biểu Quốc hội trước 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày. Tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa vượt qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội.

“Đây cũng là một hạn chế, tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp triệt để. Việc thông báo chậm bao nhiêu ngày nhưng không có chế tài cụ thể cũng không thể khắc phục được sự chậm trễ trong việc trình, dự án luật hiện nay”-ông Phước nói và cho rằng, chưa cần nói đến việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật, việc tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của dự án luật được Quốc hội thông qua. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trực tiếp vào Điều 7 các chế tài chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng nếu trình Quốc hội xem xét đối với dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Tổ chức Quốc hội và đề nghị bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chậm trễ nợ đọng dự thảo, dự án luật. Có như vậy, mới tránh được tình trạng nợ chậm dự án luật và mới đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật.

ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cũng cho rằng, qua các kỳ họp vừa qua, các đại biểu, cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm tra đều biết các cơ quan nào gửi chậm. Do đó nên công khai việc này và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội chứ không phải chỉ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, qua đó mới góp phần nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội. Vì thời gian qua cũng như các đại biểu Quốc hội đã nói là các vị đại biểu Quốc hội nhận tài liệu rất chậm. Có những trường hợp sáng hôm sau thảo luận thì đến 12h, 1h mới nhận được thì đại biểu cũng không thể nghiên cứu được. Tài liệu phải gửi sớm và công khai.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này cần cương quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu. Bởi việc gửi chậm tài liệu đã trở thành vấn đề tồn tại ở mỗi kỳ họp. Lâu nay chúng ta vấn cho rằng tài liệu chậm thường do Chính phủ gửi chậm, tuy nhiên cũng có trường hợp việc chậm này là do cả ở cơ quan thẩm tra. Do vậy các cơ quan cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Từ đó, ông Hoà đề nghị làm rõ, quy định thật cụ thể các chế tài đối với những cơ quan, đơn vị gửi chậm vào trong dự thảo Nghị quyết, thể hiện sự cương quyết, khắc phục bằng được vấn đề này. Có như vậy, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan soạn thảo mới không dám gửi chậm nữa.

Nói như lời ĐB đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) thì cần bổ sung vào nội quy bên cạnh nêu rõ danh sách tài liệu chính thức và tên cơ quan tổ chức gửi chậm cần có thêm thông tin về thời gian chậm gửi. Đây là cơ sở để đại biểu Quốc hội cân nhắc đánh giá về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Phải bổ sung vào nội quy kiên quyết không tiến hành thẩm tra các dự án, dự thảo khi chưa đủ hồ sơ, tài liệu cũng như hồ sơ không đúng thời gian quy định.

Cần quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ họp của ĐBQH

Theo ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), cử tri và nhân dân có phản ánh về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt trong kỳ họp, các phiên họp quan trọng. Để khắc phục tình trạng này thì Nghị quyết cần có quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ họp do điều kiện bất khả kháng, để nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp.

“Trong các phiên thảo luận, có những ý kiến trùng lắp giữa các đại biểu, làm lãng phí thời gian, giảm chất lượng thảo luận. Do đó, các đại biểu cần có ý thức cao, có cần tinh thần tự giác, trách nhiệm để lược bỏ các nội dung trùng lắp khi phát biểu. Đồng thời, để khắc phục tình trạng này, cũng cần phát huy vai trò quan trọng của người điều hành phiên họp”-ông Tạo cho hay.

ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong các kỳ họp, đại biểu Quốc hội có quyền tổ chức họp báo, thông tin báo chí về những nội dung cử tri quan tâm. Đây là một kênh truyền thông rất tốt, góp phần giải đáp nhiều vấn đề dự luận, cử tri cả nước quan tâm, đáp ứng yêu cầu của nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Vì vậy, cần bổ sung vào nội quy quy định về vấn đề này, nêu rõ khi đại biểu cần tổ chức họp báo hoặc thông tin báo chí thì đăng ký thế nào?.

Về Điều 46 liên quan đến trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, theo ông Hạ, cần quy định rõ hơn về nội dung này để đảm bảo tính hợp lý, khả thi khi đưa vào áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH băn khoăn khi sáng thảo luận nhưng 1h sáng mới nhận được tài liệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO