ĐBSCL: Lượng khách du lịch nội địa đứng thứ 3 trên cả nước

Quốc Trung 11/07/2016 16:31

Sáng 11/7 tại Hậu Giang, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Phát triển Du lịch đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là hoạt động khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long 2016 tại Hậu Giang (MDEC - Hậu Giang 2016) diễn ra từ ngày 11/7/2016 đến 15/7/2016.

ĐBSCL: Lượng khách du lịch nội địa đứng thứ 3 trên cả nước

Quang cảnh hội nghị.

Theo Tổng cục Du lịch giai đoạn 2006-2015 lượng khách du lịch đến vùng ĐBSCL tăng trung bình 11%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 8,45%/năm, khách du lịch nội địa tăng 11,98%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 23,6%/năm. Riêng trong năm 2015, toàn vùng đón tiếp và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 sau vùng Đông nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, chiếm 8,27% lượng khách Quốc tế đến Việt Nam và 10,63 triệu lượt khách nội địa. Năm 2015 tổng số khách nội địa đến ĐBSCL chiếm 18.134.010 lượt, đứng thứ 3 trong cả nước. Cũng trong năm 2015, tổng thu của ngành du lịch ĐBSCL đạt 8.636 tỷ đồng, tuy nhiên con số chiếm chưa tới 3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước, mặc dù ĐBSCL đứng ở vị trí trung bình so với các vùng khác cả nước…

Hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Cơ chế, chính sách phát triển du lịch vùng ĐBSCL; sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng ĐBSCL; giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL, qua đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch để vùng ĐBSCL thực sự trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Đây là dịp thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh, thành với nhau và liên kết giữa địa phương và Trung ương trong khai thác và phát triển du lịch khu vực ĐBSCL được chặt chẽ, hiệu quả hơn...

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng so các vùng miền khác, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch hơn, nhưng việc khai thác và phát huy tiềm năng còn hạn chế. Hội thảo là dịp các địa phương, doanh nghiệp thảo luận các giải pháp, các chương trình hành động, cách làm mới hiệu quả trong phát triển du lịch tại ĐBSCL. Đặc biệt, qua hội thảo lần này nhấn mạnh sự trao đổi, đánh giá lại những sản phẩm du lịch đặc thù cũng như sự liên kết trong phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.

Ông Siêu đề nghị: ĐBSCL cần chú trọng nghiên cứu thị trường và những xu hướng mới của các thị trường khách du lịch đến với vùng; đẩy mạnh xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; khai thác triệt để các yếu tố đặc thù, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch vùng có tính cạnh tranh cao; tăng cường vai trò của hợp tác liên kết vùng…

Ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết để liên kết, hợp tác phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát huy và đạt hiệu quả, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị các ngành, các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch tập trung thực hiện một số nội dung, như: triển khai hiệu quả đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các địa phương trong vùng chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các dự án phát triển du lịch có quy mô lớn; khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng sản phẩm đặc trưng theo từng địa phương gắn kết với sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng.

Nhìn một cách tổng thể và so sánh với các vùng khác thì du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức một cách chuyên nghiệp, chiến lược ngắn hạn, dài hạn chưa thống nhất, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quảng bá xúc tiến du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBSCL: Lượng khách du lịch nội địa đứng thứ 3 trên cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO