ĐBSCL phải tích hợp ứng phó BĐKH vào mục tiêu nông thôn mới

Quốc Định 27/06/2016 16:23

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh/thành ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới vào mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm tính đặc thù của từng địa phương. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Ngày 27/6, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình, Dương Ngân hàng Thế giới (WB); lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương của Việt Nam, các đối tác phát triển quốc tế và đại diện nhiều quốc gia.

Nội dung của diễn đàn lần này chủ yếu thảo luận xoay quay về các thách thức và cơ hội đối với ĐBSCL trước biến đổi khí hậu (BĐKH), tìm giải pháp giúp ĐBSCL phát triển.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà trong thời gian tới cần phải phát triển nơi đây thành một địa chỉ của nền nông nghiệp thông minh, bền vững của Đông Nam Á và châu Á.

ĐBSCL chiếm 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm một tỷ lệ cao về thương mại gạo toàn cầu, do đó việc bảo vệ, phát triển ĐBSCL không chỉ có tác động riêng đến Việt Nam mà nó còn tác động lớn đến an ninh lương thực của toàn cầu. Do vậy, các tổ chức quốc tế cần giúp đỡ Việt Nam vượt qua khó khăn thách thức hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh/thành ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới vào mục tiêu ứng phó với BĐKH, bảo đảm tính đặc thù của từng địa phương.

Mục tiêu nông thôn mới là nâng cao mức sống người dân và phòng vệ với BĐKH. Nâng cao mức sống là mục tiêu quan trọng. Kết hợp với quy hoạch đê điều và hồ chứa là mục tiêu quan trọng; bảo vệ rừng ngập mặn; nhanh chóng phục hồi hệ sinh thái, chuyển đổi cây trồng vật nuôi …

Các tỉnh cần phải xây dựng phương án phòng vệ trong tình huống xấu nhất; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nên tăng cường vai trò liên kết, tạo chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp và tương xứng với ĐBSCL, tối ưu hóa chuỗi sản xuất, tạo thương hiệu gạo đủ mạnh, phải tiếp tục có giải pháp để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn kết hợp với xây dựng thương hiệu.

Các đại biểu tham gia diễn đàn.

Thủ tướng cũng đề nghị WB mở rộng cấp tín dụng ưu đãi theo tiêu chuẩn cao nhất, thời gian giải ngân nhanh nhất, cử các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá tiềm năng về nước mặt, nước ngầm, khả năng sụt lún, xói lở, xây dựng mạng lưới giám sát BĐKH và nước biển dâng, xác định kịch bản phát triển hoàn chỉnh toàn vùng; đào tạo nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản trị nhà nước thích ứng với BĐKH cho các địa phương bị ảnh hưởng.

Bà Kwakwa đánh giá, những năm gần đây, ĐBSCL chịu hạn hán nghiêm trọng, có nhiều cánh đồng lúa bị thiệt hại do hạn hán, do đó cần chung tay để giúp vùng ứng phó.

“Chúng tôi đều có mục đích chung là giúp nông dân vùng ĐBSCL có khả năng đối phó với thách thức, mang lại thịnh vượng trong tương lai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một số giải pháp, bên cạnh đó các cơ quan Trung ương và địa phương có tầm nhìn chung với nhau. Chúng ta phải điều chỉnh khả năng chống chịu như đắp hệ thống đê điều, trồng rừng phòng hộ; sử dụng nước tiết kiệm, thí điểm cơ chế sử dụng chung nguồn nước vùng ĐBSCL; áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ mới để đối phó với sự biến đổi khó lường của BĐKH trong tương lai”- Bà Kwakwa, nhấn mạnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBSCL phải tích hợp ứng phó BĐKH vào mục tiêu nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO