Để ai cũng có Tết

Nam Việt 08/01/2021 07:00

Năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn, dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu, tới nay vẫn chứt dứt. Đất nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vừa phải lo chống dịch vừa phải nỗ lực không để nền kinh tế đổ gãy.

Năm 2020 cũng là năm thiên tai dữ dội diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Đặc biệt mưa lũ liên tục, kéo dài ở miền Trung đã làm nhiều người chết, cuốn đi nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân. Thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra lên tới 38.400 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, cuộc sống của nhiều bộ phận nhân dân gặp khó khăn.

Gói bánh chưng ngày Tết, nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2019, thu nhập bình quân (tháng) của người lao động năm 2020 giảm ở cả 3 khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2020 đạt 5,7 triệu đồng giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Còn tính cả năm, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128.000 đồng). Trong đó, thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất: 215.000 đồng. Tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156.000 đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng thấp nhất thì cũng 100.000 đồng/người/tháng.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm thu nhập bình quân của người dân trong vòng 5 năm gần đây đều tăng từ 500-700.000 đồng/người.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động theo đó cũng bị sụt giảm.

Trong khó khăn đó, việc chăm lo Tết cho người dân nói chung, người lao động nói riêng là rất quan trọng. Nếu trong thiên tai, dịch bệnh, đất nước đã làm hết sức mình để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói bị rét, thì nay cũng sẽ dốc lực để ai cũng có Tết.

Cái Tết đối với người Việt Nam ta là rất quan trọng, người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng ba ngày Tết vẫn phải tìm cách chạy vạy để không được ăn ngon thì cũng phải được ăn no. Người xưa nói, giàu hay nghèo thì ngày ba mươi Tết cũng phải có thịt treo trong nhà. Với người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời thì cũng tằn tiện để dành cho Tết.

Tết đến, người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn ăn để lấy may cả năm. Tết cũng là ngày thết đãi họ hàng làng xóm, bạn bè. Tết không chỉ có ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên, nhà nào cũng phải có mâm cỗ. Tết là đoàn viên, người đi xa làm ăn quanh năm giàu hay nghèo thì cũng đều tìm cách về quê đón tết.

Vẫn biết là thế nhưng Tết năm nay sẽ rất khó khăn với nhiều người.

Để lo cho dân, ngay từ ngày 9/12/2020, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021. Những hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo được triển khai sớm có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, là nguồn động viên to lớn cho người nghèo cả nước đón Tết.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ để lo Tết cho dân. Trong đó, việc rất quan trọng là các địa phương, các ban ngành phải khẩn trương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2021; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói, nhất là các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Năm nay với nhiều người, chắc sẽ là một năm đón Tết tiết kiệm. Tới thời điểm này vé máy bay, vé xe, vé tàu dịp Tết vẫn còn rất nhiều cho dù giá đã giảm sâu, cho thấy nhiều người làm ăn xa sẽ không được về quê đón Tết. Nhất là những người làm việc trong các khu công nghiệp, vì rằng muốn về quê ăn Tết thì đâu chỉ có vé tàu vé xe mà còn phải có nhiều khoản tiền khác.

Vì thế, tổ chức, chăm lo Tết cho những người không có điều kiện về quê là việc rất cần thiết, để làm ấm lòng người. Với bà con vùng thiên tai, nhất là bà con vùng lũ miền Trung, lo cho trẻ em có tấm áo mới, lo cho mỗi gia đình đều có mâm cỗ trong đêm ba mươi… không chỉ thể hiện tình cảm mà còn là trách nhiệm, là lương tâm đối với đồng bào.

Vì thế, việc ngày 7/1, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ Tết Nguyên đán trong toàn hệ thống Mặt trận là hành động thiết thực, đầy ý nghĩa. Chắc chắn rằng, cũng như trong những đợt cao điểm chống Covid-19, hỗ trợ người dân vùng thiên tai bão lũ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái được phát huy, những tấm lòng thơm thảo, nghĩa đồng bào bừng sáng. Thì Tết này, với người cán bộ Mặt trận, những người gần dân, hiểu dân, luôn chia ngọt sẻ bùi với dân thì đây cũng chính là dịp tập trung góp sức chăm lo cho dân, để người người cùng có Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để ai cũng có Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO