Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Đề xuất gây băn khoăn

Thành Luân - Đoàn Xá 19/07/2019 07:30

Sau nhiều lần đưa ra rồi ngưng lại, Sở Giao thông -Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục trình Đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Đề án đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Đề xuất gây băn khoăn

Việc đặt lại vấn đề thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM xuất phát từ thực tế các tuyến đường nội đô của thành phố đang bị quá tải.

Thiếu cơ sở để thu phí

Thuyết trình về Đề án này, ông Ngô Hải Đường (Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP) cho biết, việc đặt lại vấn đề thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM xuất phát từ chính thực tế các tuyến đường nội đô của thành phố đang bị quá tải nặng. Trong đó, chỉ thống kê trong 6 tháng đầu năm nay thì lượng ô tô đăng ký mới trên địa bàn TP HCM đã tăng tới hơn 15%. Do đó, ông Đường cho rằng nếu không có giải pháp ngay thì tình hình kẹt xe ở trung tâm thành phố sẽ gây ra ùn tắc nghiêm trọng. Đề án mới đề xuất của Sở GTVT cũng nhắm đến mục tiêu hạn chế lượng ô tô cá nhân, phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông. Đơn vị đề xuất đề án mong muốn UBND TP HCM có chủ trương đầu tư dự án để ghi vốn, làm cơ sở thuê tư vấn nghiên cứu khả thi, lập nghiên cứu có đánh giá sâu hơn. Bên cạnh đó, phía ITD cũng đề xuất về phương thức đầu tư dùng ngân sách thực hiện và chỉ thuê tư nhân bảo trì, thu phí..., với tổng mức đầu tư khái toán là 250 tỷ đồng (trước đây ITD đề xuất là 1.500 tỷ đồng nhưng vốn do tư nhân tự đầu tư).

Đề xuất của Sở GTVT cũng cho biết, lấy kinh nghiệm của Singapore là số tiền thu phí sẽ dùng phục vụ trở lại cho việc phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng của thành phố. Theo ông Ngô Hải Đường, việc đầu tư trở lại từ việc thu phí có thể là “rót” vào đầu tư phương tiện xe buýt mới; miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm; đầu tư thêm các nhà chờ;... nhằm thu hút người sử dụng phương tiện công cộng, giảm xe cá nhân vào nội đô.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP HCM, đồng thời nguyên là Phó Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TP HCM, còn không ít băn khoăn đối với Đề án này. “Dường như gọi là đề xuất mới nhưng Đề án này thực ra là bình mới nhưng rượu cũ. Trong đó, việc thu phí ô tô vào trung tâm vẫn chưa có trong Luật Phí và lệ phí hiện nay” - ông Ninh nhận định.

Nếu dựa vào Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, cũng cần thêm rất nhiều thời gian để TP HCM có thể đưa ra được một bộ khung quy định cụ thể về phí và lệ phí nếu triển khai Đề án. Trong khi đó, về phía trung ương cũng phải sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt khi điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 về trật tự an toàn giao thông.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông – đô thị cho rằng phần tiền giữ lại sau khi nộp ngân sách trung ương hàng năm của TP HCM hiện nay là rất hạn chế. “Xây dựng một đề án có phạm vi áp dụng rộng, cần nguồn ngân sách lớn nên kêu gọi xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách. Hơn nữa, thành phố cũng cần lấy ý kiến phản biện, hiến kế các giải pháp, sẽ tận dụng được nội lực trí tuệ tốt nhất cho đề án” - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh góp ý.

Cần giải pháp căn cơ

Dư luận nhân dân đặt băn khoăn rất lớn rằng, nếu bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ để giảm kẹt xe cho nội đô, tại sao UBND TP HCM không đề nghị các cơ quan tham mưu đề xuất giải pháp đầu tư cho hạ tầng, giao thông. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (giáo viên Trung tâm Nhật ngữ thuộc Trường Cao đẳng Công thương TP HCM) mong muốn, UBND TP HCM đầu tư nhiều hơn về hạ tầng như cầu vượt thép, các đường song hành và đường trên cao để giảm áp lực kẹt xe cho các khu vực ngoại vi di chuyển vào nội đô của thành phố như hiện nay. Để giảm gánh nặng ngân sách, thành phố nên kêu gọi xã hội hóa để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Còn anh Nguyễn Văn Tùng, chủ một doanh nghiệp buôn bán màu in cho biết, gia đình anh ở đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) nhưng xưởng sản xuất lại ở Q.12, bày tỏ đồng tình với việc thu phí này nhưng cần có giải pháp đi kèm, chứ không chỉ xây trạm để thu phí. “Thành phố cần phải xây dựng thêm các bến bãi đậu xe ở ngoài trung tâm, hay ít nhất là vùng ven gần với đường ranh thu phí để người dân có nhu cầu di chuyển vào trung tâm sẽ gửi xe ở đó, sử dụng phương tiện khác vào trung tâm như mục đích của đề xuất này” - anh Tùng bày tỏ quan điểm.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Đề xuất gây băn khoăn - 1

Các khu vực cửa ngõ vào trung tâm TP HCM luôn ở tình trạng đông đúc.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Tâm, ngụ tại đường Lê Văn Sỹ (Q.3) cho rằng, nếu việc thu phí vào trung tâm mà giảm được ùn tắc thì cũng nên triển khai nhanh, nhưng nếu người dân mất thêm tiền, bỏ thêm chi phí nhưng tình trạng ùn tắc không giảm mà vẫn xảy ra kẹt xe thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Về mặt pháp lý, theo ý kiến của luật sư Trương Thị Hoà (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện nay quy định của pháp luật chưa có loại phí chống ùn tắc giao thông. Vì vậy, TP HCM cần xây dựng khung pháp lý trước khi triển khai việc thu phí này. Việc xây dựng này cần lấy ý kiến đông đảo tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Đề xuất gây băn khoăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO