Để các mô hình điểm thấm sâu, lan tỏa

Trần Duy Hưng 05/02/2017 10:10

Xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, điển hình là một trong những phương pháp tập hợp, đoàn kết quần chúng hữu hiệu của công tác Mặt trận, để phát huy công sức, trí tuệ của mọi người, mọi nhà giải quyết những vấn đề thiết thực ở địa bàn khu dân cư. Hiệu quả công tác này ở tỉnh Thái Bình cho thấy rõ hơn thực tế này.

Hưởng ứng phát động của MTTQ, người dân thôn Thượng Phúc
(Quang Trung-Kiến Xương- Thái Bình) luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

Mỗi năm xây dựng hàng trăm mô hình điểm

Theo ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Thái Bình, như các tỉnh thành trên cả nước, nhiều năm qua, MTTQ các cấp ở tỉnh Thái Bình luôn chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động (CVĐ) lớn do Mặt trận Trung ương phát động, như Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Ngày Vì người nghèo; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Thực tế cho thấy các CVĐ đều có nội dung cụ thể, mang ý nghĩa thiết thực, hướng tới mục đích chung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa, phòng chống, bài trừ các loại tai tệ nạn, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Qua đó huy động được trí tuệ, công sức của toàn dân trong tỉnh tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh, dân trí, dân chủ ngay tại địa bàn KDC.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Giang, để các CVĐ “về” được tới địa bàn KDC, được người dân đón nhận, triển khai tích cực, hiệu quả, thấm sâu, lan tỏa...có rất nhiều việc phải làm. Một trong số đó là phải tập trung xây dựng được những mô hình điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng...

Tính riêng trong 5 năm qua, mỗi năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp xây dựng được 150 mô hình điểm ở địa bàn KDC, với các chuyên đề cụ thể như: KDC tự quản phòng chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xứ, họ đạo không ma tuý, không sinh con thứ ba, dòng họ hiếu học…

“Để xây dựng được một mô hình điểm, nhất là một mô hình thành công, bền vững rất dày công, cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đặc điểm địa bàn để áp dụng mô hình sao cho phù hợp; hơn hết là phải có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm tham gia thực hiện của hệ thống chính trị ở cơ sở, của mỗi người, mỗi nhà ở KDC được lựa chọn”, ông Đặng Thanh Giang chia sẻ.

Góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực

Tìm hiểu tại huyện Thái Thụy, chúng tôi được biết những năm qua ở huyện ven biển này có rất nhiều mô hình, cả do chính quyền và do Mặt trận, các đoàn thể tổ chức, hướng dẫn, duy trì hoạt động. Có thể kể đến như mô hình tổ tự quản phòng chống ma túy, giữ gìn an ninh trật tự do Hội Cựu chiến binh, Công an xã, thị trấn phối hợp tổ chức; mô hình ngõ, nhóm tự quản do UBND, MTTQ xã phối hợp thành lập; mô hình tổ tự quản An toàn giao thông do MTTQ, Ban An toàn giao thông xã lập (ở các KDC nằm ven trục đường giao thông lớn); mô hình tổ hòa giải ở cơ sở do chính quyền lập, tư pháp xã hỗ trợ nghiệp vụ, Ban công tác Mặt trận KDC điều hành…

Biểu hiện rõ nhất là ở những nơi có mô hình nhân dân tự quản hoạt động thường xuyên, tích cực ở đó an ninh trật tự được giữ vững; không có tội phạm, tệ nạn, nếu có thì theo xu hướng giảm. Nhờ việc này, có xã trong huyện đã chặn đứng được sự gia tăng của tệ nạn ma túy, giảm được số người mắc nghiện. Thực tế cho thấy, các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới ở huyện Thái Thụy đều là những xã phát huy tốt hiệu quả của các mô hình nhân dân tự quản...

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng các mô hình tự quản, các cán bộ MTTQ huyện cho rằng cần nhất là phải suy nghĩ, tìm tòi, không thể chung chung, hời hợt; cán bộ Mặt trận luôn trăn trở phải làm gì để có được những hình thức tập hợp, vận động quần chúng mới, phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn hiện nay, trên hết là có hiệu quả.

Đơn cử, đặc thù nông thôn ở địa phương là người dân có mối quan hệ theo dòng họ rất gắn kết. Vai trò, tiếng nói của người đứng đầu dòng họ rất có trọng lượng đối với các gia đình, con em trong họ. Hiểu được điều này, MTTQ các cấp trong huyện đã chủ trương, mời đại diện các dòng họ ở địa phương tham gia UB MTTQ cấp xã, với mong muốn tranh thủ, thông qua những người đứng đầu dòng họ chuyển tải chủ trương, chính sách; phát động các phong trào, hoạt động tới các gia đình, con em trong dòng họ. Khi họ tham gia, cũng phải tính làm sao để phát huy được vai trò của các vị trưởng họ, giúp các cụ, các vị nhận thấy được Mặt trận trân trọng.

Theo đó, khi triển khai mô hình “Dòng họ không ma túy”, chính quyền, Mặt trận địa phương đã phối hợp thực hiện rất công phu. UB MTTQ cấp xã có thư gửi dòng họ, mời đại diện dòng họ tham gia lễ phát động, giấy đăng ký thực hiện của các dòng họ với chính quyền, Mặt trận được thiết kế trang trọng, nội dung cụ thể, rõ ràng để các dòng họ treo tại từ đường dòng họ. Trong Ngày hội Đại đoàn kết hằng năm, những dòng họ thực hiện hiệu quả mô hình đều được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận địa phương có hình thức ghi nhận, tôn vinh; tổ chức cho đại diện các dòng họ tham quan, học hỏi lẫn nhau để thực hiện hiệu quả mô hình ở dòng họ mình.

Với cách làm này, MTTQ các cấp trong huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các dòng họ trên địa bàn, nhất là các vị trưởng họ, thông qua việc tích cực, chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động con em trong dòng họ nêu cao ý thức phòng chống, tránh xa tệ nạn, nhất là tệ nạn ma túy. Từ 8 xã tham gia thực hiện ban đầu, đến nay mô hình “Dòng họ không ma túy” đã được nhân rộng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, với hơn 1000 dòng họ đăng ký tham gia…

Theo bà Phạm Thị Khoa-Chủ tịch UB MTTQ xã Thụy Hồng, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương phòng ngừa, tránh xa các loại tệ nạn, MTTQ xã đã phối hợp với chính quyền đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các dòng họ trong xã phát triển kinh tế, xóa nghèo. Đặc biệt, luôn chú trọng phát động, duy trì phong trào khuyến học trong các dòng họ. 5 năm qua, MTTQ xã đã phối hợp với Hội đồng dòng họ của 23 dòng họ trên địa bàn xã duy trì các hoạt động khuyến học, từ xây dựng quỹ khuyến học dòng họ đến biểu dương, khen thưởng con em đạt thành tích cao trong học tập. Xã hiện có tới hàng trăm em đỗ đạt, có việc làm, có thu nhập cao, từ đó có điều kiện quay về giúp đỡ cha mẹ, dòng họ, xóm làng.

“Lâu nay, Mặt trận các cấp thường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng. Tuy nhiên, làm gì để đa dạng hóa và đa dạng hóa thế nào cho hiệu quả thì không dễ, rất cần sự suy nghĩ, tìm tòi, không thể chung chung, hời hợt. Việc tổ chức các mô hình nhân dân tự quản là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi để duy trì, phát huy hiệu quả của các mô hình rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền địa phương bên cạnh vai trò của Mặt trận. Trong đó, cần tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên các tổ tự quản; có các hình thức thiết thực, động viên, khuyến khích. Tôi đơn cử, mô hình tổ hòa giải ở cơ sở được cho là rất thiết thực nhưng chính quyền thường “quên” việc trả thù lao, do vậy không có tác dụng động viên, khuyến khích người tham gia…”- Ông Nguyễn Văn Thuấn-nguyên Chủ tịch UB MTTQ huyện Thái Thụy (Thái Bình)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để các mô hình điểm thấm sâu, lan tỏa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO