Để chấm dứt lao động giá rẻ

Thanh Giang 07/05/2019 09:00

Chính trị ổn định, môi trường đầu tư tốt, tài nguyên phong phú, và đặc biệt dồi dào về đội ngũ lao động trẻ, rẻ khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn ngoại ồ ạt đổ vào nhiều lĩnh vực. Thế nhưng tới nay, những lợi thế về thị trường lao động giá rẻ đã không còn phù hợp trước xu thế đầu tư phát triển đi vào chiều sâu.

Để chấm dứt lao động giá rẻ

Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Mặc dù đánh giá cao điều kiện đầu tư tại Việt Nam, song nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước liên tục than phiền về năng suất lao động. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (Liên hợp quốc), năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp. Năm 2016 chỉ đạt 9.900 USD/người, trong khi đó Singapore là 141.200 USD/người, Brunei: 137.800 USD/người, Malaysia: 56.100 USD/người, Lào: 11.300 USD/người… Năm 2017 và năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và có nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên chính là do thiếu trầm trọng lao động tay nghề cao, lao động kỹ thuật cao, mặc dù trình độ chuyên môn của lao động có cải thiện. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là doanh nghiệp lại chậm đổi mới khoa học công nghệ.

Về tay nghề của đội ngũ công nhân, đơn cử tại TPHCM, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao nhưng lao động tay nghề thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, cơ cấu trình độ lao động trên địa bàn thành phố (tính đến cuối năm 2017) như sau: Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 22,43%; tỷ lệ lao động đào tạo từ 3 tháng đến bậc cao đẳng chiếm 31,5%; lao động không có bằng và không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao (46,07%).

Mới đây, khi Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, đại diện UBND thành phố có biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 544 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với khoảng 84% học viên có trình độ sơ cấp, 6% trình độ trung cấp, 10% trình độ cao đẳng. Tại các khu công nghiệp khu chế xuất, công nhân tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như: May, thủy tinh, nữ trang, sản xuất vật liệu xây dựng,…

Băn khoăn về trình độ chuyên môn của lao động hiện nay, đơn vị sử dụng lao động cảm thấy lo lắng vì tuyển lao động từ các trường nghề nổi tiếng về nhưng sinh viên vẫn chưa thể bắt tay vào việc. Theo nhận định của doanh nghiệp, hiện nay lao động có kỹ thuật chiếm khoảng 10%, còn lại toàn là “thợ vịn”.

Trong buổi gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao, tại TP HCM cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam không thể đi theo con đường lao động giá rẻ. Thủ tướng cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 những người lao động kỹ thuật cao có khả năng tiếp cận nhanh những kỹ thuật mới. Công nhân kỹ thuật cao không sợ mất việc vì robot thay thế.

Muốn xóa bỏ “lối mòn” về lao động giá rẻ, vấn đề đặt ra là công nhân phải học hỏi, rèn luyện, nâng cao tay nghề là cần thiết. Tuy nhiên, sự nỗ lực đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, trình độ kỹ thuật từ phía công nhân là chưa đủ, mà còn cần sự hỗ trợ của các bên liên quan. Do đó, doanh nghiệp phải tiên phong, phải chủ động đổi mới sản xuất bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại, thay đổi công nghệ lạc hậu.

Ông Sebastian Eckardt- chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng nêu quan điểm, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp do chậm đổi mới công nghệ sản xuất. Giới chuyên gia từng nhận định, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ có 10% là hiện đại, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Khi có dây chuyền sản xuất hiện đại buộc lao động phải thay đổi theo cho kịp với điều kiện sản xuất mới, vì rằng không công nhân nào muốn mình trở thành người dư trong hoạt động sản xuất hiện đại.

Nói tóm lại, rất cần người sử dụng lao động và cả người lao động cùng thay đổi theo chiều hướng thích nghi với đòi hỏi của thực tiễn. Đồng hành với những cố gắng của doanh người, người lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ lao động tay nghề cao hướng Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để chấm dứt lao động giá rẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO