Để kinh tế ít phụ thuộc vào nguồn thu bên ngoài

Thúy Hằng 04/10/2017 09:15

Ngày 3/10, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo: “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng”.

Theo đánh giá chung, các khoản thu về tài nguyên, đất đai sau nhiều năm tăng ở mức cao đã giảm xuống cùng với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tăng thu có xu hướng chậm lại.

Hệ quả của các xu hướng trên dẫn đến dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách bình quân trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 5,6% GDP (theo thông lệ quốc tế), cao hơn đáng kể so với các giai đoạn trước. Việc bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao đã làm tăng mức nợ công, rút ngắn kỳ hạn nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách, làm dấy lên quan ngại về khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Bên cạnh đó, tốc độ mở cửa và phân cấp nhanh chóng khiến cho việc quản lý kinh tế – tài chính trở nên phức tạp hơn.

Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu). Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu tăng từ 52,3% (giai đoạn 2001-2005) lên đến 58,9% (giai đoạn 2006-2010) và 68% (giai đoạn 2011-2015). Song đánh giá về chi tiêu công, vẫn có quá nhiều điểm lo lắng. Cụ thể chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Tổng chi NSNN (bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu) bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn trước con số này là 28,9%) - là mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011 - 2015, cao hơn so với tỷ lệ 63:37 của thời kỳ 2006 - 2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay. Hơn nữa, quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức, viên chức, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Việt Nam được cho là quốc gia phân cấp mạnh và có xu hướng ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2011-2015, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, thuộc dạng cao nhất trong các quốc gia đang phát triển với mức trung bình khoảng gần 40%.

Theo khẳng định của thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5%GDP. Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở Trung ương và địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để kinh tế ít phụ thuộc vào nguồn thu bên ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO