Để mọi học sinh đều được học trực tuyến

Minh Quang 18/08/2021 20:43

Năm học mới 2021- 2022 đang cận kề, nhiều trường học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã phải tổ chức họp phụ huynh online đầu năm học. Dịch giã còn diễn biến phức tạp, nguy cơ học sinh phải học bằng phương thức trực tuyến là rất lớn. Vấn đề đặt ra là không phải gia đình nào cũng có điều kiện (các thiết bị thông minh) để phục vụ việc học online.

Thậm chí, ngay cả khi có thiết bị cũng không tiếp cận được bởi nhà trường áp dụng các phần mềm đòi hỏi thiết bị phải có cấu hình cao… Vậy giải pháp nào để mọi học sinh đều được “đi học”?

Lo thiếu thiết bị học tập

Chị Thu Huyền quận Cầu Giấy, Hà Nội là lao động tự do. Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng. Covid-19 kéo dài suốt gần 2 năm qua khiến thu nhập giảm hẳn đi. Nuôi 2 con ăn học bấy lâu đã vất vả, nay nghe nói năm học mới nguy cơ cả bậc Tiểu học và THCS đều phải học trực tuyến, chị Huyền rất lo, vì không biết đào đâu ra tiền sắm cho mỗi cháu một chiếc máy tính.

Không phải gia đình nào cũng có đầy đủ thiết bị để học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa.

Nỗi lo của chị Huyền thật ra cũng đang là tình cảnh chung, băn khoăn chung của những gia đình lao động nghèo. Hơn thế, không ít học sinh có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly hôn hoặc bệnh tật, các cháu phải sống với ông bà nội hoặc ngoại. Với người già, việc cập nhật ứng dụng thiết bị điện tử để giúp các cháu học là điều khó khăn.

Nói về những cái “khó” khi học sính phải học trực tuyến, chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân chia sẻ, quả thực trong bối cảnh các nhà trường của nước ta thì dạy học trực tuyến là một thách thức không nhỏ.

Trước hết hạ tầng CNTT, đường truyền internet, kinh phí mua phần mềm dạy học trực tuyến và bồi dương, hỗ trợ giáo viên để tổ chức dạy học trực tuyến... là những điều kiện bắt buộc không thể thiếu, ngặt một nỗi, các địa phương lại không đáp ứng và vẫn có sự chênh lệch quá lớn.

Đại diện lãnh đạo ngành GDĐT ở các huyện miền núi trăn trở rằng họ không thể triển khai cho các trường dạy học trực tuyến được vì là hầu hết học sinh là con em gia đình khó khăn. Nhà nghèo, không có máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh.

Ở nhiều bản, internet chưa có, mạng di động chập chờn. Khu vực Tây Nguyên học sinh có hoàn cảnh còn khó khăn, ngôn ngữ giao tiếp hạn chế. Hầu hết các gia đình không kết nối mạng internet, cũng không có điện thoại thông minh. Nếu dạy học trực tuyến qua phương tiện truyền thông hiệu quả rất thấp và cũng phải phụ thuộc vào sự ổn định mạng lưới điện quốc gia.

Các trường ở thành phố, khu đô thị lớn cũng có những khó khăn đặc thù. Học sinh tiểu học, nhất là các lớp 1, 2, 3 học trực tuyến phải có cha mẹ kèm. Khung giờ học của con và giờ làm của cha mẹ lại trùng nhau. Đặc biệt việc quản lý quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh khi dạy học trực tuyến là rất khó tin cậy và ít hiệu quả.

Xây dựng bản đồ phân vùng học trực tuyến

Vậy làm cách nào để dạy học trực tuyến thực sự đạt hiệu quả, theo ông Đặng Tự Ân, cần phải coi đây không phải là một phương án tạm thời, không chỉ là giải pháp tình thế, mà phải là giải pháp thích ứng để chuyển đổi trong mọi điều kiện. Bởi phương thức DHTT, có nhiều hiệu quả và thuận lợi, như : Dạy học được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi; Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người học; Tiết kiệm thời gian học tập so với phương thức giảng dạy truyền thống; Linh hoạt, học sinh có thể tự điều chỉnh thời gian, tốc độ học theo khả năng và có thể tự tham khảo, nghiên cứu thêm thông qua các nguồn tài liệu được hướng dẫn tham khảo.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai dạy học trực tuyến lâu nay chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, dự thảo thông tư hướng dẫn dạy học trực tuyến của Bộ GDĐT đã có nhưng hàng năm nay vẫn chưa thể ban hành văn bản chính thức.

Học sinh tiểu học làm bài tập trực tuyến. Ảnh minh họa.

Theo đó, ông Đặng Tự Ân cho rằng, cần có hướng đi khả thi cho dạy học trực tuyến. Trước hết, hoạt động chuyển hóa nhận thức trong toàn ngành giáo dục về dạy học trực tuyến phải được coi là bước đi đầu tiên của các cấp quản lý giáo dục. Không thể để tình trạng: Có dịch Covid-19 mới khởi động và triển khai dạy học trực tuyến. Khi bình thường học tập trở lại, các trường lại sớm “quên đi tất cả”. Từ đó, sẽ rất lãng phí chất xám với cả hàng vạn bài giảng E-Learning và năng lực dạy học vốn có của giáo viên cũng như công năng cơ sở hạ tầng cho dạy học trực tuyến bị bỏ phí, dùng không hết.

Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả thực sự, cần có chiến lược cho dạy học trực tuyến theo định hướng: Xây dựng bản đồ phân vùng, khu vực các địa phương được dạy học trực tuyến (khi đã được đầu tư đồng bộ các điều kiện) theo phương thức: “Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”. Quy định cho tất cả các trường hàng tuần có thể có 1 hoặc 2 ngày học sinh được học theo phương thức dạy học trực tuyến. Như thế trong suốt năm học sẽ được liên tục dạy học trực tuyến. Trong trường hợp "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", sẽ chuyển sang ngay một cách dễ dàng thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.

Tiếp đó, tất cả các trường phổ thông ở các địa phương còn lại học theo phương thức: Áp dụng theo mức độ các ứng dụng của dạy học trực tuyến vào dạy và quản lý dạy học cũng như quản lý nhà trường. Xây dựng lộ trình để từng bước các địa phương có được sự hỗ trợ cần thiết, đê tăng tính tiếp cận tới phương thức dạy học có điều kiện là “ Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để mọi học sinh đều được học trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO