Để người bệnh bớt lo về... thuốc

Hư Trúc 26/09/2015 08:20

Cục Quản lý Dược Bộ Y tế vừa có quyết định rút số đăng ký trên 60 loại thuốc nhập khẩu đã lưu hành tại nước ta khoảng từ năm 2008 đến nay. Lý do là các loại thuốc này kém chất lượng, nhà sản xuất kê khống công dụng của thuốc, có thứ “đầu Ngô mình Sở”, nói chung là thuốc không đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Về mặt nào đó, đây cũng là hành vi gian lận thương mại. 

Ảnh minh họa.

Như mọi thứ hàng hóa khác, quy trình nhập khẩu thuốc chữa bệnh cần phải qua kiểm định khi vào Việt Nam. Nhưng quy trình đối với thuốc nhập khẩu này như thế nào? Được biết, chính các nhà sản xuất thuốc nước ngoài cho hay, thuốc của họ khi nhập vào các quốc gia khác, như Nga chẳng hạn, đều bị nước này kiểm định chất lượng, công dụng, bao bì ngay tại cơ sở gốc trước khi cho phép nhập vào nước họ.

Trong khi đó, lộ trình thuốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn quá thênh thang! Việc xét cấp số đăng ký lưu hành thuốc nhập hoàn toàn thực hiện trên hồ sơ. Có hay không chuyện chúng ta quá tin vào nhà sản xuất ngoại hoặc chúng ta đang thả nổi, trong tình hình thực tế nhiều công ty sản xuất thuốc của nước ngoài cũng “thượng vàng hạ cám” ? Qua quyết định mới đây của ngành chức năng, hiện mỗi năm Bộ Y tế cấp khoảng 3.000 số đăng ký lưu hành thuốc với khoảng 25.000 mặt hàng. Trong số ấy có bao nhiêu mặt hàng thuốc kém chất lượng chưa phát hiện ra?

Cũng được biết, số lô thuốc được hậu kiểm là rất ít so với toàn bộ trị giá 3,2 tỉ USD/năm ở Việt Nam, một con số kếch xù mà nếu không thực sự là thuốc đúng nghĩa thì quả là “tiền mất tật mang”, nỗi lo cho nhiều người bệnh. Hơn thế, tỉ lệ thuốc kém chất lượng dao động ở mức 3%/năm như công bố của cơ quan quản lý, chưa ai dám chắc con số này thể hiện hết sự thật một cách “khách quan toàn diện” về chất lượng thuốc nhập ở Việt Nam.

Thiệt hại đối với sức khỏe người bệnh rất khó thống kê nhưng việc họ bị móc túi do sản phẩm có chất lượng không tương xứng thì các doanh nghiệp dược nước ngoài sản xuất thuốc không bảo đảm biết quá rõ! Vấn đề là làm sao để xử lý, ngăn chặn những hành vi thương mại “ăn gian nói dối” trong lĩnh vực nhập khẩu dược phẩm vào nước ta?

Không nên kỳ vọng vô điều kiện để rơi vào ảo tưởng về công việc làm ăn của tất cả các “đại gia” dược có thương hiệu của nước ngoài. Trái lại, cần có quy trình sàng lọc để ngăn chặn những tổ chức chỉ biết quan tâm đến việc đếm bạc tại một thị trường hơn 90 triệu dân như ở ta. Về chuyện này, có một kinh nghiệm thực tế là, ngay tại Mỹ có nhiều trường hợp doanh nghiệp dược quảng cáo sai công dụng của thuốc và đã bị phạt hàng tỉ USD.

Nguyên Giám đốc kinh doanh của “ông lớn” Pfizer, vì cái tội “khuếch trương”, tức nói khống công dụng của mặt hàng thuốc Bextra mà bị tù giam nửa năm, sau đó còn bị giám sát bằng còng điện tử ở chân vì sai phạm gây ra, tất nhiên Công ty cũng bị phạt hàng tỉ USD. Dẫn chứng trên cho thấy cần có các biện pháp mạnh và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân thay vì phát hiện rồi thu hồi thuốc giả, thuốc dỏm!

Thiết nghĩ, chúng ta đã thực hiện “hậu kiểm”, nhưng thực ra cần phải “tiền kiểm” với thuốc nhập như Nga đã làm. Đó là điều cần xem xét lại để thay đổi vì thuốc chữa bệnh rất quan trọng trong đời sống người dân. Thuốc chữa bệnh là mặt hàng chiến lược đặc biệt.

Nhập khẩu thuốc là việc làm cần thiết trong tình hình công nghiệp dược phẩm của ta còn chưa thể bảo đảm mọi như cầu chữa bệnh của nhân dân. Quyết định như vừa nêu của Cục Quản lý Dược cũng đánh thức suy nghĩ chuộng hàng ngoại hoặc cho rằng các doanh nghiệp dược “ngoại” luôn làm ăn đứng đắn một cách tuyệt đối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để người bệnh bớt lo về... thuốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO