Để người nghèo tiếp cận vốn vay

H.Hương 28/07/2018 08:00

Thuận lợi để người dân, nhất là tại khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ tài chính vẫn là vấn đề khó. Ông Phạm Xuân Hòe- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), trao đổi về những giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tài chính số đến với vùng sâu vùng xa.

Để người nghèo tiếp cận vốn vay

Ông Phạm Xuân Hòe.

Theo ông Hòe, hiện hơn 40 ngân hàng đã cung ứng công nghệ dịch vụ tài chính số trên điện thoại di động. Tuy nhiên, việc tiếp cận ngân hàng số của người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.

Hai khó khăn căn bản nhất là: kênh cung ứng sản phẩm về cho bà con vùng sâu vùng xa và các sản phẩm thiết kế của các định chế tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có các ngân hàng chưa đơn giản và phù hợp.

Thực tế hiện nay, theo quy định, quá trình giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng đòi hỏi sự nhận diện khuôn mặt, nếu không kết nối với nhau rất khó trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính như mở tài khoản tiết kiệm, vay vốn, chuyển tiền…

Mới đây, NHNN đã trình Chính phủ Đề án 1726 nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, trong đó NHNN đã đề xuất giải pháp nâng cao kênh số hóa dịch vụ ngân hàng như: Sử dụng Mobile Banking, Internet Banking. Hiện ngành ngân hàng đã có một số yếu tố căn bản để triển khai ngân hàng số như thiết bị, kết nối…, nhưng vẫn còn thiếu yếu tố dữ liệu, pháp lý, băng thông rộng để hoàn thiện kết nối.

Tại các vùng sâu vùng xa, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã phủ sóng 4G nên việc ứng dụng tài chính số qua Mobile Banking, Internet Banking sẽ thuận lợi. Trong khi đó, thống kê cho thấy, số lượng người nghèo đã sử dụng điện thoại thông minh ở độ tuổi trẻ, lao động… đang tăng cao, nên các ngân hàng có thể tận dụng kênh Mobile Banking phổ cập tiếp cận tài chính cho người nghèo.

Tuy nhiên, đến nay, hành lang pháp lý còn thiếu để đưa ra các sản phẩm số của tài chính.

PV: Vậy theo ông, hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu những quy định gì để ngân hàng số đến được với người dân nhanh hơn và gần hơn?

Ông Phạm Xuân Hòe: Hiện nay, khách hàng muốn thực hiện giao dịch phải đến chi nhánh ngân hàng, photo chứng minh thư. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định: có thể thay thế hoàn toàn bằng công nghệ ứng dụng, thay vì khách hàng phải có chữ ký tươi thì có thể sử dụng công nghệ nhận diện qua sinh trắc học, bấm vân tay để xác thực, hoặc sử dụng chia sẻ dữ liệu, ví dụ như từ dữ liệu quản lý cư dân của Bộ Công an sang tài chính.

Bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng nhận thức của người dân. Chẳng hạn, sử dụng các sản phẩm mobile để cho ngân hàng cung cấp các sản phẩm tài chính cho người dân qua điện thoại. Muốn làm được điều này thì hành lang pháp lý phải cho phép.

Chỉ mới có khoảng 25% người dân ở nông thôn có tài khoản ngân hàng. Đây là tỷ lệ không cao, thưa ông?

-Trên thực tế, về góc độ tiếp cận các sản phẩm vay vốn hoặc gửi tiết kiệm bắt buộc là rất cao, không phải dừng lại ở 25%, nhưng dưới góc độ tài khoản thanh toán thì tỷ lệ này còn hạn chế.

Trước hết phụ thuộc vào sở thích của người dân, tâm lý và văn hóa người dân vẫn thích dùng tiền mặt nhiều hơn. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân đến từ quy định pháp lý hiện nay còn nhiều rườm rà, khiến người dân không mặn mà. Họ vẫn còn ngại khi đến ngân hàng giao dịch mở tài khoản vì các thủ tục photo chứng minh thư, kê khai.

Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép các ngân hàng được mở tài khoản thanh toán cho người dân, còn những tổ chức vi mô và các quỹ tín dụng nhân dân chưa được phép làm. Trong khi đó, việc “vươn dài tay” của các ngân hàng thương mại đến vùng sâu vùng xa còn hạn chế nhất định.

Khảo sát cho thấy hầu hết người nông dân vay vốn tại Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre đều mở tài khoản thẻ, họ sử dụng thẻ đó để thanh toán cho các đại lý khi mua các sản phẩm dùng trong sản xuất nông nghiệp. Tôi cho rằng việc các tổ chức vi mô hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn toàn có thể cung cấp tài khoản thẻ cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa, nếu hành lang pháp lý cho phép. Điều này cũng mang lại lợi ích rất lớn là thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để người nghèo tiếp cận vốn vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO