Dễ nhớ thì dễ thực hiện

Miên Thảo 13/06/2018 09:00

Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn gây được sự chú ý của dư luận xã hội. Vì rằng, thời gian qua nhiều hành vi ứng xử của một số thầy cô giáo, của học sinh trong môi trường học đường có vấn đề. Mới đây, dư luận lên tiếng về bảng nội quy “5 xin, 4 luôn, 4 không, 3 nhớ” dành cho cả thầy và trò, của một thầy giáo trường THPT chuyên của Trường Đại học sư phạm Hà Nội, với không ít ý kiến đồng tình, tán thưởng.

Bảng nội quy này nhằm tới cả hai đối tượng là thầy và trò. Theo đó, với 4 điều đề nghị các thầy cô và sinh viên cùng thực hiện, bao gồm: “5 xin” trong giao tiếp gồm: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin góp ý, xin cảm ơn. “4 luôn” khi tiếp xúc: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn nhiệt tình giúp đỡ. “4 không” ở giảng đường: không mang đồ ăn vào phòng học; không mang dụng cụ, thiết bị ra ngoài phòng học; không vứt phấn, giấy vụn, vỏ kẹo,…trong phòng học; không nô đùa, nói chuyện to trên giảng đường.

Và cuối cùng là cùng chia sẻ “3 nhớ” và “1 đừng quên” trước khi ra về: Nhớ lau sạch bảng của mình sau khi đã luyện tập; nhớ thu gom phấn vụn, rác…cho vào thùng rác ở hành lang; nhớ kê lại bàn ghế, dụng cụ ngay ngắn; đừng quên tắt các thiết bị trong phòng học.

Tuy rằng nội quy này chủ yếu nhắm tới các sinh viên tham gia lớp học nghiệp vụ sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có nghĩa là những người sẽ trở thành giáo viên thực thụ khi đứng trên bục giảng, dạy học trò; nhưng nó đã nhận được sự quan tâm và tán thưởng của nhiều người.

Nhìn vào những quy định trong nội quy, người ta thấy thật sự đơn giản. Đơn giản đến mức suốt bao năm qua không mấy ai nhớ, không chỉ trong môi trường học đường mà còn có thể mở rộng ra phạm vi xã hội. Nhiều điều tưởng chừng như đơn giản nhưng rồi thật đáng buồn khi điều đó lại đã trở thành xa xỉ.

Cũng giống như mệnh đề “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò” nghe qua thật quá đơn giản, nhưng thế nào là “ra thầy”, thế nào là “ra trò” lại đòi hỏi sự “tu luyện” thực sự, nhận thức vấn đề một cách rất thấu đáo mới có thể thực hành được. Có những người hầu như cả đời không biết nói đến từ “xin lỗi” cho dù lỗi đầm đìa. Không biết xin lỗi, không chịu xin lỗi không chỉ là hành vi thiếu văn minh, mà quan trọng hơn nó cho thấy người đó không có năng lực nhìn nhận bản thân. Mà nếu thế thì ứng xử sai quấy sẽ như một sự đương nhiên.

Trở lại với vấn đề văn hóa giảng đường, nhiều ý kiến không đồng tình với Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, khi cho rằng nó còn chung chung, hình thức. Trong một buổi góp ý cho Dự thảo này, vào cuối tháng 5 vừa qua, đại diện một số Sở GDĐT và trường phổ thông đã ghi nhận nỗ lực của nhóm 11 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... trong quá trình biên soạn “bộ quy tắc...”, khi nhằm khảo sát, đánh giá khung quy tắc ứng xử trong nhà trường phổ thông, làm cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử, nhóm nghiên cứu, biên soạn đã tiến hành khảo sát tới 900 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, nhân viên, phụ huynh của các nhà trường và các chủ thể có quan hệ công tác với trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhận xét, nó còn chung chung, khó nhớ nên khó thực hiện.

Theo ông Phùng Khắc Bình- nguyên vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, phó trưởng nhóm nghiên cứu thì Bộ quy tắc ứng xử trong trường học là tập hợp những quy định về các hành vi nên làm và không được làm, thể hiện các chuẩn mực, giá trị văn hóa trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập của các chủ thể trong nhà trường và các đối tượng có liên quan. Từ đó điều chỉnh cách thức ứng xử của các thành viên trong nhà trường theo văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.

Nguyên tắc ấy không ai phủ nhận cả, tuy nhiên khi đi vào chi tiết nó lại không dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Vì thế, nó trở nên chung chung, khó thực hiện. Theo một vị phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT), thì “quy tắc ứng xử trong nhà trường” được đề ra cách đây 10 năm, từ năm 2008 khi triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều trường đã xây dựng, áp dụng, nhưng cũng nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, nội dung chính của nó là nêu lại một số điều trong quy chế nhà trường. Chưa nói còn có hiện tượng trường nọ “cop-py” của trường kia một cách đối phó.

Vì thế, xét cho cùng, nếu vẫn tiến hành việc điều chỉnh hành vi ứng xử trong môi trường học đường theo kiểu hình thức, làm cho có để tránh sự kiểm tra của cấp trên thì không bao giờ có tác dụng thực sự. Mà cũng không cần phải “đao to búa lớn” làm gì, cũng không cần phải đưa ra nào là nguyên lý, nào là tác dụng... mà cần đi thẳng vào vấn đề với tinh thần gọn gàng, giản dị, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ giám sát để điều chỉnh.

Được biết, sau khi tiếp thu, hoàn thiện nội dung Dự thảo khung quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ GDĐTsẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên và xã hội, để có thể ban hành trước thềm năm học mới 2018-2019. Hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ấy thiết thực, để xây dựng cho được văn hóa trong môi trường học đường. Nhưng muốn thế, thiết nghĩ, trước tiên nó phải rất cụ thể mà bớt đi phần “bác học” như rất nhiều văn bản, quy định của ngành này đã ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dễ nhớ thì dễ thực hiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO