Đề phòng thời tiết cực đoan

Việt Hà 11/05/2021 06:35

Thời điểm này cùng với việc nắng nóng gia tăng thì cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn…

Nắng nóng gay gắt tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nắng nóng gay gắt tại nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết khi nhận định về tình hình thời tiết những ngày sắp tới. Theo ông Hưởng, từ ngày 11/5, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C.

Khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội từ nay đến cuối năm 2021 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo giông, lốc, mưa đá... Riêng Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ hai ngày trở lên). Trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt 39-40 độ C. Đợt nắng nóng đầu tiên xảy ra vào khoảng đầu tháng 5/2021, các đợt còn lại sẽ tập trung vào cuối tháng 5, 6, 7. Từ tháng 8 nắng nóng vẫn còn nhưng cường độ giảm dần.

Theo dự báo trong mùa hè này, tia UV có chỉ số cao nhất từ trưa và đầu giờ chiều. Đặc biệt, trong các ngày trời quang mây, có nắng nóng thì chỉ số UV sẽ ở mức rất cao, khi chỉ số UV từ 6 - 7 là mức cao, thậm chí là từ 8-10 là ở mức ảnh hưởng rất cao. Do đó, khi di chuyển ngoài đường, người dân cần sử dụng các biện pháp để bảo vệ mắt và da tránh tiếp xúc với tia UV, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các tia nắng trong thời gian buổi trưa và đầu giờ chiều để tránh những tác hại của tia UV đối với sức khỏe.

Ông Hưởng khuyến cáo, cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn… thì các hiện tượng thời tiết không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Thiên tai có xu hướng không chỉ gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng, mà còn cả về cường độ vì vậy các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn để có những biện pháp phòng tránh.

Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, khu vực miền núi phía Bắc là vùng trọng tâm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây. Lũ ống, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Vì vậy, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét, kể cả ban đêm như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất để nhanh chóng ra khỏi khu vực nguy hiểm, không đi qua những nơi được cảnh báo nguy hiểm.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do các loại hình thời tiết cực đoan, nguy hiểm, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến nắng nóng, mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng thời tiết cực đoan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO