Để tàu thuyền không còn đánh bắt bất hợp pháp

Văn Nhất 20/03/2018 09:00

Nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); và để góp phần gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tàu thuyền trên địa bàn có hành vi vi phạm.

Để tàu thuyền không còn đánh bắt bất hợp pháp

Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt cá ngừ đại dương.

Kiểm soát chặt

Nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính Phủ, Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 của Bộ NNPTNT…và Kế hoạch số 18/SNN-CCTS về “Kế hoạch thực hiện một số giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từ cuối năm 2017 đến nay không có tàu nào trên địa bàn tỉnh vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh- chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, để kiểm soát chặt nghề cá, chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm tra 100% tàu cá trước khi xuất và cập bến.

Cụ thể, khi tàu cá xuất bến, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hồ sơ, còn khi tàu cá cập cảng, lên cá, tàu phải được kiểm tra, khai báo khi cập cảng, nộp nhật ký khai thác; đối chiếu thực tế về sản lượng, ngư cụ, kích cỡ mắt lưới; có ít nhất 20% sản lượng cá ngừ, 5% sản lượng các loại thủy sản khác khi lên cảng sẽ được kiểm tra theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu.

Đối với việc kiểm soát, tàu hoạt động trên biển được theo dõi qua các trang thiết bị hành trình gắn trên các tàu cá. Đồng thời yêu cầu ngư dân phải thực hiện chế độ báo cáo tin nhắn hàng ngày, khi khai thác vùng biển xa gửi về trạm bờ chi cục thủy sản.

Riêng đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được chế biến, sau đó xuất khẩu đi châu Âu thì 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và phải được kiểm tra thực tế. Đối với nguyên liệu nhập khẩu, được chế biến sau đó xuất khẩu đi thị trường khác ngoài châu Âu hoặc tiêu thụ thị trường nội địa, 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng, việc kiểm tra thực tế theo tỷ lệ từ 5 đến 10%...

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ nguồn gốc thủy sản có liên quan đến hoạt động khai thác bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Việt Nam và quốc tế.
Tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế- phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo ông Thế, ngoài nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân khai thác hải sản và cơ quan quản lý, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến, nhập bến, lên cá tại các cảng; theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh quản lý; thực hiện kiểm tra đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (nếu có). Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng đặc biệt các tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài, tàu giã cào khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ; sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản; tàu cá không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; khai thác thủy sản có kích thước dưới mức cho phép, trong thời gian cấm khai thác.

Còn tại Bình Thuận, nhiều ngư dân đã đề nghị cơ quan chức năng sớm xây dựng hệ thống theo dõi tàu cá nhằm giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện chế độ theo Quyết định 48, qua đó cũng phát hiện ngăn chặn kịp thời các tàu có nguy cơ vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài, góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh- phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết, tàu cá vi phạm đã gây ra những hệ lụy không tốt đối với bà con ngư dân và ngành thủy sản trong nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tỉnh sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn trình trạng này.

Ông Cảnh yêu cầu lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh, các lực lượng chức năng xử thật nghiêm các trường hợp tái vi phạm; đồng thời, kêu gọi bà con ngư dân chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; theo dõi tố giác nếu phát hiện hành vi vi phạm của các tàu khác.

Để bảo vệ lợi ích của mình

Theo ông Lữ Thanh Phong- phó phòng Quản lý khai thác phát triển nguồn lợi (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), ngoài việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá đánh bắt trên biển, công tác đào tạo, tập huấn cho các chủ tàu, ngư dân để nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế, nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng được đơn vị hết sức quan tâm.

Thời gian qua, Chi cục đã dựng nhiều pano, bảng hiệu, phát các tờ rơi sơ đồ phạm vi các vùng biển và một số điểm lưu ý cho ngư dân đánh bắt xa bờ. “Toàn tỉnh có hơn 1.300 tàu khai thác xa bờ, chủ yếu tàu đánh bắt cá ngừ. Qua các công tác trên, ngư dân trong tỉnh đã nâng cao nhận thức, nhờ vậy từ cuối năm 2017 đến nay Khánh Hòa không có tàu khai thác bất hợp pháp”- ông Phong cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Thế Hiểu- PGĐ Công ty TNHH Thịnh Hưng, một DN xuất khẩu hải sản sang thị trường EU cho biết, sau khi bị EU phạt “thẻ vàng” hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam nói chung và DN nói riêng vào EU vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, các lô hàng sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu. Từ đó, dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với DN xuất khẩu vào thị trường này.

Vì vậy, phía DN sẽ cố gắng thực hiện nghiêm túc các vấn đề phía khách hàng EU đặt ra. Và DN khuyến cáo ngư dân nên thực hiện đánh bắt đúng vùng biển theo quy ước quốc tế. Nếu ngư dân không hợp tác và tuân thủ theo 9 khuyến nghị của châu Âu, thì đến ngày 23/4 tới sẽ bị chuyển sang “thẻ đỏ”. Khi đó các DN không xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường này và nguy cơ thủy sản bị loại khỏi các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật…cũng không tránh khỏi. Khi đó thiệt hại nặng nhất chính là ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để tàu thuyền không còn đánh bắt bất hợp pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO