Đề xuất giải cứu sinh viên đang ‘mắc kẹt’ ở nước ngoài

Lam Nhi 21/07/2020 22:01

Để được 1 chuyên gia tới Việt Nam, trường Đại học RMIT phải cử tới 10 người làm việc trong 1 tháng với các cơ quan bộ ngành, thành phố, sở y tế thành phố, cơ sở y tế phường…

Nhiều SV quốc tế của ĐH RMIT chưa thể sang Việt Nam học vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa.

Đối với việc xin Visa, dù Bộ Công an rất chủ trương nhưng xuống đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh của thành phố lại không giải quyết…

Đó là một trong những khó khăn của RMIT nói riêng hiện nay cũng như các trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thời hậu Covid-19 được bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối ngoại chiến lược (ĐH RMIT) nêu lên tại hội nghị Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại trường ĐH VinUni (Hà Nội) ngày 21/7.

Hiện các giảng viên của nhà trường sau thời gian Covid-19 về nước, bây giờ muốn quay trở lại Việt Nam làm việc rất khó khăn. Bà Loan đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT lên tiếng để thúc đẩy vấn đề này.

Về phía sinh viên (SV) ĐH RMIT hiện có khoảng 600 SV quốc tế theo học nhưng đang không thể vào VN do không cấp visa cho các em và không có chuyến bay để bay về.

“Thực tế SV Việt Nam đang học tập ở nhiều nước cũng đang mắc kẹt. Các em hoặc học xong rồi hoặc lỡ hẳn 1 kỳ học nhưng mắc kẹt ở nước ngoài 3 tháng nay, chỉ ở trong nhà và không làm gì. Có những em muốn có 1 kỳ học đi trải nghiệm thôi nhưng giờ không thể về được trong khi tiền nhà gửi sang đã tiêu tốn rất nhiều”, bà Loan nêu thực trạng

Tương tự, ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết là ĐH vùng nên việc cấp visa cho SV nước ngoài và cán bộ giảng dạy phải gửi ra Hà Nội, rất mất thời gian. Trong khi đó, việc cấp visa hiện nay cũng khó khăn khiến cho gần 600 SV quốc tế của trường vẫn chưa thể sang Việt Nam theo học. Mới có 300 SV Lào trong tổng số 900 SV người nước ngoài sang được Việt Nam theo học các chương trình LKĐT của trường.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nêu một thực trạng là muốn được tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế hiện nay rất phức tạp. Liệu với ĐH vùng như ĐH Đà Nẵng có thể ủy quyền để mình quyết định trước và báo cáo sau không?

“Cứ như hiện nay, mỗi lần tổ chức hội thảo, hay seminar thì chúng tôi lại phải ra Hà Nội xin phép, hoặc phải xin phép qua chính quyền địa phương, thủ tục rất lâu”, ông Sơn dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng hiện chủ trương của Chính phủ đã hết giãn cách song hệ thống của chúng ta đang quá tải nên cũng chưa có chuyến bay về. Bộ đề nghị các trường thay vì kiến nghị lẻ tẻ, cần tập trung ý kiến lại để Bộ kiến nghị Chính phủ cũng như các địa phương về việc các chuyến bay, cấp visa cho SV, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam…

Trong thời gian chờ đợi, Bộ trưởng đề nghị các trường tính đến phương án dạy online sau đó khi chuyên gia đến Việt Nam thì sẽ ôn tập lại. Cách làm này các trường ĐH của Việt Nam trong đợt nghỉ học vì dịch bệnh đã thực hiện rất tốt, cần tiếp tục phát huy.

Về đề xuất thứ hai của đại diện ĐH Đà Nẵng, ông Nhạ cho biết theo quy định 06 của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu để ủy quyền cho các tầng lớp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất giải cứu sinh viên đang ‘mắc kẹt’ ở nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO