Đề xuất 'nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa'

Mai Loan 02/06/2022 12:36

Tham gia tranh luận ĐB Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) nêu quan điểm, cần phân biệt sách giáo khoa và sách tham khảo. Riêng sách tham khảo, học sinh không bắt buộc phải mua.

Ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Ông Thành cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như: Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh.

Đặc biệt, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. “Có thể nói, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Thành cho hay.

Nhắc lại hôm qua (ngày 1/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đang trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa, theo ông Thành, phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá, đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa.

“Sách giáo khoa đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Sách bổ trợ, tham khảo tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua. Từ thực tiễn giáo dục ở địa phương, Nghệ An có 11 huyện miền nùi, đặc biệt là có 6 huyện miền núi cao rất khó khăn, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban tỉnh xây dựng mô hình “thư viện sách giáo khoa” trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nghĩa là tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường, rồi chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho nhà trường; kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại sách giáoi khoa để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này có ý nghĩa giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học. Và sách dùng được nhiều lần và tránh lãng phí”, ông Thành nêu quan điểm và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.

Trước đó, vào chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất từ Công văn số 4146 ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá. Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục kiên trì kiến nghị này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất 'nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO