Đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ công chức: Ngăn ngừa bất cập trong bổ nhiệm cán bộ

Thùy Dương 01/06/2017 08:15

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) (Ảnh: Quốc Anh).

Cần thiết phải sửa đổi luật

ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính nhà nước liên quan đến công chức, công vụ với việc xem xét sửa đổi các Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hành chính công thì cần thiết bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) Luật Cán bộ công chức sửa đổi.

“Trong Tờ trình số 107 của UBTVQH cũng đã đặt ra vấn đề Quốc hội giao Chính phủ xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức viên chức.

Đến nay sau 9 năm ban hành Luật Cán bộ công chức năm 2008, thì việc xem xét sửa đổi Luật này là rất cần thiết. Lý do sửa đổi không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý cán bộ công chức sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác.

Thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như tinh giản biên chế đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng không giải quyết được căn bản, trong khi các quy định về vị trí việc làm còn mang tính hình thức, không phản ánh được thực chất, chất lượng giải quyết công việc của cán bộ công chức” - ông Phương phân tích và cho rằng, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ.

“Thời gian qua cử tri và công luận rất bức xúc trước những vấn đề đang đặt ra tại sao việc đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn còn có những người yếu kém, sai phạm.

Các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh như hàm, việc thi nâng ngạch trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương, chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn. Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Cán bộ công chức”- ông Phương nói.

Xây dựng luật phải bám vào thực tiễn cuộc sống

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): “Cần đổi mới nâng cao chất lượng lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến nhân dân phải là bắt buộc. Nhiều khi thông qua luật lúc đấy dân mới biết.

Cho nên cần tăng cường lấy ý kiến nhân dân đồng thời có chế tài xử lý cơ quan ban hành Luật chậm mà chất lượng thấp.Hội nghị Trung ương 6 sắp tới sẽ bàn về tổ chức bộ máy cho nên cần bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương; và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đơn vị sự nghiệp công lập; Luật An ninh mạng”-ông Hiểu đề xuất

Bày tỏ băn khoăn khi xây dựng Luật đã đáp ứng thực tiễn từ cuộc sống hay chưa? Hay là xuất phát từ ý muốn của bộ, ngành muốn tăng quyền năng trong quản lý, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, các dự án Luật đề nghị đưa vào chương trình là đầy đủ hồ sơ nhưng chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, các báo cáo đánh giá tác động của chính sách vẫn cách làm cũ chưa đảm bảo nội dung.

Đánh giá chính sách đúng mới đảm bảo chất lượng Luật. “Dù thời gian qua đã có cơ chế hậu kiểm nhưng xây dựng Luật do các cơ quan khác nhau xây dựng nên kỹ thuật soạn thảo chưa hoàn thiện, nếu có đội ngũ chuyên nghiệp soạn thảo thì văn bản pháp luật mới thống nhất và có chất lượng cao hơn”- bà Thúy đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ công chức: Ngăn ngừa bất cập trong bổ nhiệm cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO