Đề xuất trợ cấp cho người không có lương hưu

Lê Bảo 23/03/2023 07:42

Nhằm đảm bảo an sinh cho nhóm hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dành một chương về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, lao động đủ tuổi nghỉ hưu đến dưới 80 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu có thể được nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng.

Có khoảng 7 triệu người cao tuổi không được bất cứ khoản trợ cấp nào từ ngân sách nhà nước. Ảnh: Quang Vinh.

7 triệu người cao tuổi không có lương hưu

Gần 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Lý (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hàng ngày vẫn phải dậy sớm từ 5h sáng để đi lấy xôi, chuẩn bị nước để bán trà đá và đồ ăn sáng. Tuy nhiên, khi khi TP Hà Nội vào cuộc giành lại vỉa hè, quán nước của bà giảm thu nhập rõ rệt. Theo bà Lý, hai vợ chồng bà đều không có lương hưu, chồng bà thì bệnh tật, tất cả trông chờ vào hai đứa con nhưng kinh tế của con cũng khó khăn nên ngoài lo thuốc thang cho bố cũng không thể hỗ trợ thêm về sinh hoạt. Bà Lý kể, trước đây làm công nhân một nhà máy dệt nhưng vì sức khỏe yếu nên về hưu một cục. “Giá như hồi đó không rút về mà đóng nốt bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì giờ đã có lương hưu” – bà Lý than thở.

Tình cảnh giống như Lý hiện nay khá phổ biến. Theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 12 triệu người cao tuổi, song cơ quan BHXH mới đang chi trả cho trên 3 triệu người hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng. Còn ngân sách nhà nước đang chi trả cho khoảng trên 1,7 triệu người cao tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách. Như vậy còn khoảng trên 7 triệu người cao tuổi hiện nay không được hưởng bất kỳ chính sách trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ BHXH.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.

Đẩy mạnh hỗ trợ cho người cao tuổi

Trước thực trạng trên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng.

Đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH. Trong quá trình hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì cũng được hưởng bảo hiểm y tế. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

Đặc biệt, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng BHXH, ông Cường thông tin, mặc dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có số năm đóng BHXH dài (từ 20 năm trở lên), nhưng họ sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Thứ hai là mức lương hưu luôn được điều chỉnh định kỳ khi Chính phủ có sự điều chỉnh, thứ ba là, trong thời gian hưởng lương hưu thì quyền lợi về bảo hiểm y tế được đảm bảo.

Số liệu thống kê trong quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014, thời gian qua có khoảng 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu không đủ năm đóng BHXH 20 năm để hưởng lương hưu, bản thân họ đã phải lựa chọn đóng một lần cho đủ thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, khoảng 300.000 người hưởng BHXH một lần có thời gian đóng BHXH từ 10 năm trở lên. Chính vì vậy, đề xuất giảm số năm đóng BHXH là cần thiết.

Trước những lo ngại về việc mức hưởng lương hưu thấp và gia tăng số lao động hưởng BHXH một lần khi giảm năm đóng, ông Cường cho biết, cơ quan soạn thảo luật sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án hài hòa hơn, mục tiêu là có nhiều người được hưởng luơng hưu nhưng không làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

“Việc giảm năm đóng chủ yếu hướng đến nhóm tham gia BHXH muộn, thường có thời gian đóng dưới 20 năm. Như vậy, mức lương hưu chắc chắn sẽ phải thấp hơn nhóm đóng trên 20 năm. Tuy nhiên, nếu xem xét so với trước đây nhóm đóng dưới 20 năm không có điều kiện hưởng lương hưu thì nay họ sẽ cơ hội hưởng lương hưu, dù mức thấp vẫn tốt hơn là không có”- ông Cường khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất trợ cấp cho người không có lương hưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO