Đêm giao thừa có nên đi hái lộc?

Minh Khánh (tổng hợp) 11/02/2021 12:00

Vào đêm giao thừa, người dân Việt Nam thường có phong tục đến đình chùa thắp hương cầu mong cho một năm mới gặp nhiều điều may mắn rồi hái lộc mang về với hi vọng sẽ rước được nhiều tài lộc về nhà.

Lộc xuân mơn mởn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nguồn gốc tục hái lộc đầu năm

Theo tích xưa kể, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc. Chuyện kể rằng khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.

Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển".

Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa.

Cùng với nhiều phong tục khác, hái lộc đầu xuân đã dần trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ý nghĩa của hái lộc đầu xuân

Theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, hái lộc xuân từ những cây thuốc thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, xanh, si) sẽ mang đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất. Bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khoẻ cho mọi người trong gia đình.

"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc.

Theo đó, trong cụm từ “hái lộc đầu xuân” sẽ mang ý nghĩa là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá.

Theo tục người xưa, đầu năm, mọi người sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ với hi vọng có thể đem phước lộc về cho gia đình.

Có nên đi hái lộc vào đêm giao thừa?

Về mặt tâm linh, trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc nhờ vào cây cối.

Tại các chùa, đình, đền, miếu, điện các vong hồn tha phương không nơi nương tựa rất nhiều và khi chúng ta hái lộc ở các nơi đó đưa về nhà sẽ dẫn đến việc vô tình đưa các vong hồn đó vào nhà.

Chúng ta không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức.

Tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng và ngay cả nơi công cộng để hạn chế việc phá hoại môi trường.

Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Hái lộc sao cho đúng?

Khi đi lễ cầu phúc, nhiều người không xin hương lộc. Thay vào đó, sau khi lễ xong, họ ra sân vườn chùa, đền, miếu hái một cành lá nhỏ, tục gọi là hái lộc, mang về treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào.

Tục hái lộc có ý nghĩa mang tài lộc về nhà, cành lá xanh tốt còn có ý nghĩa vui tươi. Tuy nhiên ở một số nơi, một số người Việt chưa hiểu hết ý nghĩa, bẻ nhiều cành cây to, gây tổn hại môi trường.

Đó là quan niệm sai lầm về hái lộc. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Các chùa nước ngoài cũng bị hái lộc đầu năm. Nhưng họ đối phó bằng cách giao thừa phát lộc cho người tới lễ chùa bằng hoa quả. Khách lễ phật xong, hái lộc bằng cách chọn một quả quít, hay táo bày sẵn trong các mâm ở phía ngoài, vừa là lộc cây, vừa là lộc chùa. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa.

Ở một số nước phương Tây còn quy định dịp Tết tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí, số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế.

Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng phước lộc nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên đến...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đêm giao thừa có nên đi hái lộc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO