Đền bù đúng đối tượng, không bỏ sót

Xuân Thi 13/10/2016 10:13

Chiều ngày 12/10, Đoàn công tác liên ngành giữa các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã có cuộc làm việc với đại diện các sở, ngành, địa phương tỉnh Quảng Bình, nghe báo cáo về công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại tại tỉnh Quảng Bình hơn 2.138 tỷ đồng. Trong đó, khai thác thủy sản thiệt hại hơn 1.171 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 320 tỷ đồng; sản xuất muối thiệt hại hơn 18 tỷ đồng; hơn 26.670 lao động trực tiếp bị thiệt hại với giá trị thiệt hại hơn 442 tỷ đồng; gần 10.670 lao động gián tiếp bị thiệt hại với giá trị thiệt hại hơn 186 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 320 tỷ đồng...

Về triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, ông Lê Minh Ngân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Với nguồn kinh phí tạm cấp 1,1 nghìn tỷ đồng, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung chi trả cho người dân trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát, kê khai, thống kê tổng hợp 7 nhóm đối tượng thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào số liệu điều tra và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, TX Ba Đồn và TP Đồng Hới chỉ đạo, tổ chức chi trả tiền bồi thường theo nguyên tắc “công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không bỏ sót”.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cấp ủy cơ sở sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, để người dân hiểu đúng và thực hiện chủ trương của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại; gắn kết, lồng ghép công tác bồi thường hỗ trợ thiệt hại với các chương trình an sinh xã hội lớn của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều trường hợp chưa có quy định nên đã gây khó khăn trong việc kê khai, tổng hợp, thẩm định và áp giá. Cụ thể như, theo quy định tại Quyết định 1880/ QĐ-TTg thì các đối tượng lao động trong cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được kê khai thiệt hại phải có địa điểm kinh doanh hoặc hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển.

Tuy nhiên trong thực tế, các dịch vụ hậu cần nghề cá chủ yếu tại các cảng cá, bến cá và các địa bàn nằm trên các cửa sông, không tiếp giáp biển nhưng lại là đối tượng bị thiệt hại.

Đại diện các địa phương ven biển cho biết, vấn đề phân lô, tiến hành lấy mẫu, tiêu hủy hải sản tồn đọng ở các kho đang gặp khó; hỗ trợ, bồi thường cho tàu thuyền có công suất trên 90CV còn thấp; các điểm kinh doanh khách sạn, nhà hàng; các tàu thuyền dịch vụ hậu cần nghề cá buôn bán dầu chưa được kê khai; chưa xác định chính xác đối tượng lao động ở thuyền dưới 20CV...

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cho biết: Những ý kiến của địa phương sẽ được Đoàn công tác của Bộ NNPTNT ghi nhận để báo cáo Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp, trên tinh thần bồi thường đúng quy định, công khai, dân chủ, không bỏ sót đối tượng.

Trước đó, sáng ngày 12/10, đoàn công tác của Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã có buổi gặp gỡ, đối thoại và giải thích những thắc mắc của bà con ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch.

Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Oai nói: “Chính phủ các bộ ngành luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân, chứ không phải các bộ ngành bỏ ý kiến của người dân ra ngoài tai. Có ý kiến thì chúng tôi tiếp thu, sẽ đề xuất giải quyết sớm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đền bù đúng đối tượng, không bỏ sót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO